Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đã ký với phía Anh để mua vắcxin của Công ty AstraZeneca phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong năm 2021 đối tác sẽ cung cấp khoảng 30 triệu liều vắcxin cho Việt Nam, dự kiến sớm nhất là quý 1/2021.
[Các địa phương đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết]
Tuy nhiên, với số lượng còn hạn chế, vắcxin mới sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: Cán bộ y tế liên quan trực tiếp chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao tử vong nếu mắc COVID-19, có thể tính đến cả cán bộ ngoại giao.
Dù vậy, ông Thuấn cho rằng vấn đề khó khăn là EU đang khống chế xuất khẩu, vì vậy Bộ Y tế đang đàm phán để nhanh nhất có vắcxin. Cùng đó, Bộ Y tế cũng đang đàm phán để có các loại vắcxin của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đang thử nghiệm vắcxin và dự kiến quý 3 sẽ thử nghiệm vắcxin thứ 3.
“Dự kiến cuối 2021, đầu năm 2022 sẽ có vắcxin trong nước. Như vậy, cùng với vắcxin ngoại nhập bước đầu và nguồn trong nước sản xuất, hy vọng Việt Nam sẽ có đủ vắcxin tiêm chủng rộng rãi,” ông Thuấn cho hay.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ cũng đang quyết tâm trong quý 1/2021, sẽ mua, nhập vắcxin phục vụ người dân.
Đặc biệt, trong thời gian Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong khu vực diễn ra đại hội để có kế sách, quyết định cấp bách phòng chống dịch. Vì vậy, ông đề nghị các đơn vị tiếp tục quyết liệt trong phòng chống dịch, truy vết, xét nghiệm kịp thời, kích hoạt ngay các hệ thống, cơ chế phòng chống dịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng nếu chỉ cần lơ là, chủ quan có thể để lại hậu quả nghiêm trọng do diễn biến dịch rất nhanh, khó lường, chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng các địa phương cần khanh vùng nhanh, song cần cân nhắc kỹ, không nên cách ly cả địa phương mà nên cách ly theo từng vùng nhằm đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng./.