Bộ Y tế Thái Lan xây dựng chiến lược dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19

Cuộc họp của các quan chức y tế Thái Lan đã đi đến nhất trí rằng sẽ cần phải nới lỏng một số biện pháp dù việc trở lại bình thường như trước khủng hoảng là chưa thể.
Bộ Y tế Thái Lan xây dựng chiến lược dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất 5 yêu cầu đối với một chiến lược nới lỏng và dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu với 32 trong tổng số 77 tỉnh thành trên cả nước.

Truyền thông Thái Lan ngày 20/4 cho biết cuộc họp của các quan chức y tế sở tại đã đi đến nhất trí rằng sẽ cần phải nới lỏng một số biện pháp dù việc trở lại bình thường như trước khủng hoảng là chưa thể.

[Thái Lan mở cửa trở lại các cửa khẩu để đón công dân về nhà]

Ông Kamnuan Ungchusak, Cố vấn Cục Kiểm soát dịch bệnh và Bộ trưởng Y tế Thái Lan về tình hình COVID-19, cho biết cuộc họp đã đưa ra 5 điều kiện tiên quyết cho chiến lược dỡ bỏ phong tỏa và sẽ trình lên lãnh đạo Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) để thông qua.

Điều kiện tiên quyết thứ nhất nêu rõ việc sàng lọc những du khách đến Thái Lan vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt và những cơ sở cách ly 14 ngày của nhà nước phải luôn trong tình trạng sẵn sàng cao.

Mỗi tỉnh phải có một phòng thí nghiệm để xét nghiệm và một hệ thống để tìm kiếm những người bị lây nhiễm trong những nhóm có nguy cơ, các cộng đồng đông dân cư, những người lao động và những khu vực có nguy cơ.

Tiếp đó, tất cả người dân Thái Lan phải tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn vệ sinh như đeo khẩu trang khi đến những địa điểm công cộng, tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập.

Họ cũng phải quen với thực tế rằng họ có thể không còn có một cuộc sống bình thường sau COVID-19.

Theo điều kiện thứ ba, khu vực tư nhân, do Phòng Thương mại Thái Lan, Ủy ban Thương mại Thái Lan và Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan quản lý, phải cân nhắc phân loại các doanh nghiệp sẽ được mở trở lại dựa trên những nguy cơ (cao, trung bình và thấp) và vạch ra những lộ trình nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Trong điều kiện thứ tư, những thay đổi như vậy phải dựa trên 4 tiêu chí.

Theo ông Kamnuan, khu vực tư nhân phải đặt ra một tỷ lệ thích hợp giữa số lượng khách hàng với một đơn vị khu vực dịch vụ. Các hoạt động phải không được liên quan đến việc hò hét hoặc trao đổi lời nói quá nhiều. Các địa điểm kinh doanh phải thoáng khí và được thông gió tốt. Khoảng cách bên trong một khu vực dịch vụ cũng phải được xác định.

Cuối cùng, Thái Lan phải có một hệ thống giám sát lây nhiễm theo thời gian thực ở các cấp huyện, tỉnh và quốc gia để người dân biết tình hình ở mỗi khu vực.

Ông Kamnuan bày tỏ tin tưởng rằng Thái Lan sẽ có thể tiến lên nếu đáp ứng những yêu cầu nói trên. Tuy nhiên, không phải tất cả 77 tỉnh sẽ thực hiện với một nhịp độ. Các tỉnh sẽ được phép mở lại dựa trên những rủi ro và tình hình khu vực.

Dựa trên số liệu của ngày 14/4, đã có 32 tỉnh không còn ghi nhận các ca lây nhiễm. Do đó, 3-4 tỉnh có thể được mở lại vào cuối tháng này.

Nếu tình hình được kiểm soát, 38 tỉnh nữa có số lượng các ca lây nhiễm thấp sẽ được mở lại sau hai tuần hoặc vào tháng Năm.

Trong khi đó, 7 tỉnh có sự lây lan chậm nhưng không có những ổ dịch lớn sẽ mở lại vào tháng Sáu.

Trong ngày 20/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người.

Đa số các ca nhiễm mới này là ở thủ đô Bangkok và đây cũng là địa phương có nhiều ca COVID-19 nhất nước, với 1.440 bệnh nhân.

Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan xác nhận trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, nước này đã không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Số ca tử vong hiện vẫn là 47 người, trong khi có 1.999 bệnh nhân đã bình phục.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng, Thái Lan đã gia hạn lệnh cấm bán rượu bia trên toàn quốc cho đến ngày 30/4.

Trước đó, lệnh cấm bán rượu bia ở thủ đô Bangkok đã được ban hành từ ngày 10/4 nhằm ngăn người dân tụ tập trong dịp Tết cổ truyền Songkran.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng đã ban bố Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến 30/4 với mục tiêu hạn chế người dân đi lại nhằm chặn đứng sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trong số các chỉ thị được ban hành theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, có lệnh cấm tụ tập đông người gây nhiễu loạn xã hội và lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục