Bộ Y tế sẽ thí điểm cho bệnh nhân mãn tính nhận thuốc ngay tại xã

Trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đang xem xây dựng chương trình bệnh nhân có thể đến nhận thuốc tại các cơ sở y tế xã, không cần lên tuyến trên.
Cấp phát thuốc cho bệnh nhân ở trạm y tế xã. Ảnh minh họa. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sáng 14/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu rõ cử tri kiến nghị danh mục bệnh nan y được đến thẳng tuyến Trung ương chứ không phải đi lòng vòng qua nhiều cửa hiện nay vì thủ tục rườm rà, mất thời gian mà bệnh này chỉ có tuyến Trung ương chữa được. Bộ trưởng có suy nghĩ gì đối với kiến nghị này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định người dân muốn tiếp cận dịch vụ cao, muốn đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng rất chính đáng. Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định thông tuyến từ xã đến huyện, người dân không nhất thiết phải khám ở nơi đăng ký ban đầu tuyến xã, mà có thể đến khám ở tất cả các huyện. Bộ sẽ phấn đấu đến 2021 thông tuyến toàn quốc. Tuyến xã, huyện là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, đối với các bệnh thông thường, cấp cứu. Tuy nhiên, với các bệnh nặng, mãn tính, như: ung thư, tim mạch, các bệnh phổi..., Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu, hệ thống theo dõi giám sát, điều trị theo phác đồ.

Theo Bộ trưởng, thực tế có nhiều bệnh nhân được khám dưới xã, huyện, lĩnh thuốc bảo hiểm hàng tháng trên huyện rất thuận lợi nhưng có nguyện vọng nhận thuốc, chữa bệnh ngay tại xã, không cần phải đi xa, bởi, thực chất các bệnh mãn tính điều trị theo phác đồ, chỉ đến nơi lĩnh thuốc. Bộ Y tế đang xem xây dựng chương trình này, thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể đến nhận thuốc tại các cơ sở y tế xã, không cần lên tuyến trên. Giai đoạn đầu khi chẩn đoán, phát hiện, cần kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) về vai trò của trạm y tế xã, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã ban hành Thông tư 51 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư 33 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn và trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 quy định về y tế xã, phường, thị trấn. Nếu thực hiện theo đúng chủ trương, sẽ giảm khoảng 700 đầu mối ở tuyến huyện và tuyến huyện sẽ là đơn vị chỉ đạo chuyên môn.

Bệnh viện huyện và Trung tâm Y tế dự phòng sẽ nằm trong một trung tâm, chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã. Điều này có lợi cho việc giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính - kế toán để đầu tư vào chuyên môn. Cơ sở vật chất có thể tận dụng, bớt chi phí về văn phòng. Về điều hành, trung tâm y tế có hai chức năng sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã cả về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và cả điều trị trực tiếp, đặc biệt là tăng nguồn nhân lực, vì ở tuyến xã rất khó khăn và chưa đầy đủ.

Bộ trưởng thừa nhận trạm y tế hiện thiếu về số lượng, yếu và chất lượng; việc phân bổ không phù hợp, có trường hợp một huyện có nhiều trạm y tế gần nhau, một ngày có 3-5 người khám nhưng ngược lại ở vùng sâu, vùng xa, người dân phải đi nửa ngày mới đến trạm y tế và không có đầy đủ trang thiết bị cơ bản để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh toàn diện y tế cơ sở. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 2348 về đề án xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế trong tình hình mới. Đây là đề án Bộ Y tế rất tâm huyết, chuẩn bị công phu để thực hiện việc đầu tư và phát triển hệ thống này.

Đối với câu hỏi về vấn đề đổi mới, phát huy vai trò của y tế cơ sở của đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng y tế cơ sở là lĩnh vực mà ngành Y tế tập trung trong nhiệm kỳ này. Y tế cơ sở cũng có nhiều thành tựu được quốc tế công nhận như mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận thôn, bản, đạt được những điểm sáng về mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh, các chỉ tiêu về tuổi thọ, dinh dưỡng... Mạng lưới y tế cơ sở đã làm tốt công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu dù nguồn lực còn hạn chế.


[12.000 trạm y tế trên cả nước không phát huy được hiệu quả]

Chỉ ra một trong những hạn chế cơ bản hiện nay là việc bố trí nguồn lực đầu tư cho các trạm y tế ở cơ sở rất bất cập theo tiêu chí nông thôn mới, Bộ trưởng cho rằng không nhất thiết phải có tiêu chí trạm y tế đạt chuẩn ở tất cả các xã mà cần phân bổ đầu tư theo vùng. Nhằm khắc phục điều này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4667 để chia các tiêu chí khác nhau trong đầu tư các trạm y tế ở cơ sở. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, chính quyền các địa phương khi xây dựng các tiêu chí nông thôn mới thì cần bám theo các quy định này, không đầu tư dàn trải.

Bộ trưởng chia sẻ: Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào các giải pháp về bộ máy, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và hoạt động của y tế cơ sở. Về hoạt động, y tế cơ sở là rất quan trọng và phải tập trung vào y tế dự phòng, khám chữa ban đầu. Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới trong việc xây dựng đội phản ứng nhanh và vẽ bản đồ hơn 10.000 trạm y tế xã trong toàn quốc, giao cho Giám đốc Trung tâm Y tế huyện vẽ bản đồ và chọn những trạm đầu tư để đầu tư. Về y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, không nhất thiết đầu tư tất cả các trạm y tế mà chọn để đầu tư hoàn thiện, hiện đại theo mô hình y học gia đình. Việc đầu tư này gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tránh đầu tư dàn trải, không cần thiết.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nêu thực tế, y tế cơ sở phường, xã, nhất là khu vực đô thị, được đầu tư trang thiết bị khá tốt nhưng sử dụng kém hiệu quả, mới sử dụng vào y tế dự phòng. Trong khi đó, nhiều bác sỹ phải đi thuê mướn cơ sở khám chữa bệnh với chi phí cao.

Đại biểu nhấn mạnh việc phát triển y tế cơ sở phải nhìn thẳng vào thực tiễn là bác sỹ thực hiện nhiều dịch vụ tư. Các nước phát triển cũng thực hiện theo cách thức này. Cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc cho phép bác sỹ giỏi được tận dụng trạm y tế tuyến cơ sở để mở cơ sở khám, chữa bệnh, như vậy, sẽ thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho bảo hiểm y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục