Bộ Y tế phủ nhận thông tin ĐH Kinh doanh và Công nghệ vượt tiêu chí

Phía Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết các điều kiện của mình còn cao hơn tiêu chí mở ngành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Bộ Y tế phủ nhận thông tin ĐH Kinh doanh và Công nghệ vượt tiêu chí ảnh 1Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phía Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết các điều kiện của mình còn cao hơn tiêu chí mở ngành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.

"Các tiêu chí này cao hơn nhiều so với tiêu chí quy định tại Thông tư số 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mở ngành đào tạo nhưng mới chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất trong đào tạo y, dược."

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus xung quanh việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tuyển sinh chuyên ngành y, dược.

- Thưa ông, được biết Bộ Y tế có tham gia thẩm định điều kiện mở ngành y, dược của trường này. Là người trực tiếp phụ trách vấn đề này, ông có thể cho biết về quá trình thẩm định của Bộ Y tế?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT quy định các điều kiện chung cho tất cả các ngành. 

Nhiều lần làm việc và có văn bản chính thức, Bộ Y tế đều đề nghị cần có các điều kiện mở ngành cụ thể hơn đối với lĩnh vực y tế. Các tiêu chí này gồm 3 nhóm chủ yếu: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở vật chất phục vụ thực tập, thực hành và các cơ sở thực hành ngoài trường. Bộ Y tế cũng đề xuất quá trình thẩm định cần có sự tham gia của Bộ Y tế và các chuyên gia chuyên ngành.

Đoàn thẩm định mở ngành đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đại diện Bộ Y tế tham gia với tư cách thành viên.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế. 

Sau khi xem xét Đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, Đoàn thẩm định thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung yêu cầu về chuyên môn.

Cụ thể, về đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, theo danh sách trường có 47 người nhưng 30 người chưa có cam kết tham gia. Về cơ sở thực tập tại trường cần sắp xếp lại các phòng thực hành, thực tập, tiền lâm sàng hợp lý. Về cơ sở thực hành ngoài trường cần bổ sung hợp đồng trách nhiệm của cơ sở thực hành ngoài trường trong đó nêu rõ sự tham gia làm việc và giảng dạy của giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường… Các ý kiến này cũng đã được Đoàn thẩm định thống nhất trong Biên bản ngày 5/10.

Ngày 17/11/2015, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường trong đó yêu cầu trường hoàn thiện.

- Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết Bộ Y tế đã thẩm định và đã kết luận trường đủ điều kiện mở ngành Y đa khoa và Dược học, thậm chí tiêu chí đặt ra đối với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho việc mở ngành còn cao hơn so với tiêu chí mở ngành ở các trường chuyên khối y, dược. Điều này có đúng không?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Thứ nhất, chúng tôi xin được khẳng định lại rằng, để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và đề xuất chính thức với Bộ Giáo dục và Đào tạo các điều kiện chuyên môn tối thiểu để mở ngành đào tạo các ngành. 

Các nội dung cụ thể được xác định trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và các cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực y, dược. 

Các tiêu chí này cao hơn nhiều so với tiêu chí quy định tại Thông tư số 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói trên nhưng mới chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất trong đào tạo y, dược. 

Quan điểm của Bộ Y tế là các tiêu chí được áp dụng chung cho tất cả các cơ sở đào tạo chứ không phải chỉ áp dụng riêng cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ hay các trường đa ngành không chuyên về y, dược.

Thứ hai, với các điều kiện chuẩn bị để mở ngành của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nếu chiếu theo Thông tư 08 thì vượt so với yêu cầu. 

Tuy nhiên nếu chiếu theo yêu cầu chuyên môn mà Bộ Y tế đã nêu trên thì Trường chưa đáp ứng đầy đủ. Chính vì vậy, như đã nêu ở trên, chúng tôi đã có ý kiến đề nghị Trường bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Bộ Y tế. Các nội dung đó đã được Đoàn thẩm định cũng như trường thống nhất.

Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những sửa chữa, bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế cũng như các thành viên tại cuộc thẩm định. 

- Ông là người đã từng nhiều lần kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có sự tham vấn của Bộ Y tế khi mở trường, mở ngành đào tạo ngành y, dược và đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định. Qua lần thẩm định này, theo ông, hai Bộ nên có sự phối hợp như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Câu hỏi này hoàn toàn chính xác với các yêu cầu và đề nghị của Bộ Y tế. Chúng tôi luôn xác định rằng đào tạo ngành y là đào tạo đặc biệt, để đảm chất lượng đào tạo cần phải có các quy định, quy trình chặt chẽ, điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Để việc thẩm định đạt hiệu quả cao nhất chúng tôi cho rằng hai Bộ cần hoàn thiện một số nội dung.

Thứ nhất, cần chỉnh sửa Thông tư số 08 nói trên theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về các điều kiện chuyên môn theo đề xuất chính thức của Bộ Y tế vì đào tạo nhân lực y, dược có tính đặc thù rất cao. 

Chúng tôi đã tham quan một số nước thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và thống nhất với Bộ Y tế và các hội nghề nghiệp để ban hành các tiêu chí cụ thể để các cơ sở đào tạo áp dụng. 

Thứ hai, về thành phần đoàn thẩm định: ngoài các cơ quan quản lý, cần bổ sung thêm các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể, đảm bảo sự thống nhất giữa chương trình đào tạo với các điều kiện để thực hiện chương trình.

Thứ ba, cần thống nhất về quy trình làm việc: ví dụ, sau khi thẩm định cần có sự thống nhất giữa hai Bộ và các chuyên gia về các nội dung mà cơ sở đào tạo đã chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của đoàn thẩm định. Chỉ khi nào cả hai Bộ đảm bảo chắc chắn rằng cơ sở đào đã đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép mở ngành đào tạo.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chính thức về việc tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) việc duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng, nếu cơ sở nào không đáp ứng chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định dừng tuyển sinh.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục