Bộ Y tế Nigeria ghi nhận ca tử vong thứ tư do virus Ebola

Bộ Y tế Nigeria xác nhận số ca tử vong do bệnh Ebola tại nước này đã tăng lên bốn người, trong khi sáu bệnh nhân nhiễm virus đang được điều trị cách ly đặc biệt ở thành phố Lagos.
Nhân viên sân bay kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Lungi ở Freetown, thủ đô Siera Leone ngày 14/8. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/8, Bộ Y tế Nigeria xác nhận số ca tử vong do bệnh Ebola tại nước này đã tăng lên bốn người, trong khi sáu bệnh nhân nhiễm virus đang được điều trị cách ly đặc biệt ở thành phố Lagos.

Theo người phát ngôn bộ trên, bốn trường hợp nhiễm Ebola đã tử vong ở Nigeria gồm nhân viên Chính phủ Liberia Patrick Sawyer có chuyến công tác tới Lagos, hai bác sỹ điều trị cho bệnh nhân này và một nhân viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) từng tiếp xúc với ông Sawyer.

Thông tin đưa ra trước đó về trường hợp nhiễm Ebola thứ 11 tại Nigeria là không chính xác do sai sót trong quá trình thống kê.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu thông báo 15 trong số 21 người ở thành phố Enugu đã được loại ra khỏi danh sách nghi nhiễm virus Ebola, sáu người còn lại vẫn đang được theo dõi. 21 người nói trên đã tiếp xúc với một nữ y tá nhiễm virus Ebola, đến Enugu từ bệnh viện Lagos nơi cô chăm sóc bệnh nhân Patrick Sawyer.

Tại nước láng giềng Sierra Leone, ngày 14/8, quan chức y tế cấp cao Brima Kargbo đã trình bày trước Quốc hội nước này những khó khăn mà các nhân viên y tế phải đối mặt trong cuộc chiến chống Ebola.

Ông Kargbo cho biết có hiện tượng người dân từ chối công nhận sự tồn tại của căn bệnh chết người này và chống đối nhân viên y tế. Từ ngày 24/5 đến ngày 13/8, đã có tới 32 y tá Sierra Leone tử vong do nhiễm virus Ebola trong khi làm nhiệm vụ.

Mặt khác, trong thông báo đăng tải trên trang web chính thức ngày 14/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn lời các nhân viên y tế tại vùng dịch Ebola cho biết “có bằng chứng rằng số liệu thống kê các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong đưa ra trước đó đã đánh giá rất thấp quy mô của đợt bùng phát này."

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu gia đình các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sierra Leone rời khỏi nước này. Tuy nhiên, tuyên bố nêu rõ Mỹ tiếp tục hỗ trợ Sierra Leone tăng cường khả năng hạn chế và kiểm soát sự lây lan của virus Ebola.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với hai người đồng cấp Liberia và Sierra Leone, qua đó nhấn mạnh cam kết của Mỹ phối hợp với hai nước chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch Ebola này và các đối tác quốc tế khác nhằm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bày tỏ đau buồn trước những tổn thất sinh mạng.

Lo ngại nguy cơ lây lan dịch Ebola, các nước Tây Phi khác đã đưa ra nhiều lệnh cấm nghiêm ngặt liên quan đến hàng không. Ghana, nền kinh tế lớn thứ hai ở Tây Phi, tuyên bố cấm mọi hội nghị quốc tế tại nước này trong vòng ba tháng. Nhiều hãng hàng không hủy hàng loạt chuyến bay đến và đi Tây Phi, trong đó Gambia đình chỉ mọi chuyến bay đến Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Trong khi đó, mặc dù Kenya nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao theo phân loại của WHO, song hãng hàng không Kenya Airways thông báo vẫn duy trì hoạt động tại ba nước nói trên, đồng thời tuân thủ chỉ dẫn của các chuyên gia y tế tại vùng dịch.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Ebola, ngày 14/8, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's lên tiếng cảnh báo những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với các quốc gia vốn đã nghèo đói ở trung tâm vùng dịch.

Moody's cho biết đợt bùng phát hiện tại của dịch Ebola ảnh hưởng trực tiếp lên ngân sách của các chính phủ do gia tăng chi phí y tế. Liberia đã tiêu tốn tới 12 triệu USD từ tháng 4-6 vừa qua để chống chọi với dịch Ebola, khoản chi này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tuần tới.

Đối với Nigeria, tuy số ca nhiễm Ebola chưa quá cao và chỉ tập trung tại Lagos, nhưng Moody's cảnh báo dịch bệnh nếu lan rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dầu khí của đất nước đông dân nhất châu Phi này, do các công ty quốc tế ngừng hoạt động và rút nhân viên về nước.

Ngoài ra, tình trạng đóng cửa biên giới, các cơ quan chính phủ và trường học cũng góp phần vào tác động về mặt tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục