Bộ Y tế lên tiếng về chủ trương "hãm phanh" đào tạo nhân lực

Theo Bộ Y tế, đào tạo nhân lực ngành y tế trong những năm gần đây có xu hướng tăng quá nhanh và lời cảnh báo thừa nhân lực loại hình này trong thời gian tới không phải là không có cơ sở.
Nhân viên y tế khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, nhiều trường công lập, dân lập, đa ngành thành lập thêm nhiều loại mô hình đào tạo, phương thức đào tạo về nhân lực ngành y. Điều đặc biệt là trường tư cũng không bỏ qua “mảnh đất” màu mỡ này và nhanh chóng nhập cuộc.

Trước thực trạng trên, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo nhiều ngành y, dược nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực ngành y tế hiện nay, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Phân bố không đều

- Xin ông cho biết thực trạng về nhu cầu nguồn nhân lực ngành y hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Trong 10 năm trở lại đây, Bộ Y tế đã chủ động và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan và các cấp chính quyền địa phương có những giải pháp góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế.

Đến năm 2012, ước tính số lượng cán bộ y tế làm việc trong khu vực nhà nước khoảng 408.000 người, trong đó số bác sỹ là hơn 65.000 người, dược sỹ đại học trở lên hơn 17.300 người, điều dưỡng hơn 86.400 người. Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân là 7,34 (dự kiến năm 2014 là khoảng 7,5); tỷ lệ điều dưỡng/10.000 dân là 10,39. Tuy nhiên, tỷ lệ trên có sự chênh lệnh rất lớn giữa các địa phương, vùng miền.

Hiện nay, một số địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực y tế. Một thực tế là những người có trình độ chuyên môn cao có xu hướng muốn làm việc tại các khu vực trung tâm, đô thị lớn làm việc, do đó phân bố nhân lực y tế có chất lượng cao luôn là một thách thức. Điều này cũng xảy ra với nhiều nước trên thế giới, kể cả ở những nước phát triển, nơi có các chính sách thu hút và đãi ngộ rất đặc biệt.

Cảnh báo thừa nhân lực

- Ông có thể cho biết hiện nay có bao nhiêu trường đã tham gia vào công tác đào tạo nhân lực ngành y?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Tính đến tháng 6 năm 2014, cả nước đã có 173 cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở tất cả các trình độ với 68 cơ sở đào tạo ngoài công lập.

Trong số 173 cơ sở đào tạo đó có: 35 cơ sở đào tạo trình độ đại học (14 trường, 21 trường đa ngành), 44 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 123 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Theo thống kê về chỉ tiêu tuyển sinh của riêng năm 2014, hệ trung cấp chuyên nghiệp có tới trên 21.000 chỉ tiêu ngành điều dưỡng trung cấp, 31.000 chỉ tiêu ngành y sỹ đa khoa và gần 40.000 chỉ tiêu ngành dược trung cấp.

Quy mô đào tạo trình độ trung cấp các ngành trên trong những năm gần đây có xu hướng tăng quá nhanh và việc cảnh báo thừa nhân lực loại hình này trong thời gian tới không phải là không có cơ sở. Do đó, các bạn học sinh nên cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn đăng ký vào học vì nhu cầu vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp dường như đã có xu hướng bão hòa.

- Với những trường đào tạo đa ngành hay những trường không chuyên sâu về y dược tham gia đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế, về phía Bộ Y tế có lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực ngành y ở những cơ sở đào tạo đó?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Hiện nay, ngành y tế chưa có một đánh giá, khảo sát nào cụ thể về vấn đề này. Chính vì vậy, để có nhận định khách quan và công bằng về chất lượng đào tạo nhân lực y tế của các trường đa ngành thì cần có khảo sát, đánh giá trong toàn hệ thống.

Qua đánh giá bước đầu và những thông tin mà chúng tôi có được thì đa số các cơ sở đào tạo không thuộc chuyên ngành hoặc trường đa ngành đều có quy mô đào tạo rất lớn so với các điều kiện chuyên môn hiện có như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành và cơ sở thực hành ngoài trường.

Đặc biệt, có những cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp được thành lập và trụ sở chính ở các tỉnh nhưng vẫn được mở các chi nhánh tại một số địa phương khác, thậm chí đặt ngay tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các trường đa ngành, Bộ Y tế luôn luôn khuyến cáo cơ sở đào tạo cần chủ động tuyển chọn đội ngũ giảng viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có kinh nghiệm, đầu tư cơ sở trang thiết bị và cần học hỏi các trường lâu năm có kinh nghiệm, hướng tới có sản phẩm đầu ra tốt.

Bộ Y tế không khuyến khích mở ra nhiều mà các điều kiện bảo đảm chất lượng không đáp ứng.

Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Sẽ công khai năng lực chuyên môn của từng trường

- Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định “siết chặt” việc đào tạo ngành y. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Đây là một kết quả chung của việc thường xuyên trao đổi, thảo luận và thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tạm dừng để rà soát, đánh giá việc tổ chức đào tạo nhân lực y tế là rất cần thiết để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của từng khu vực, vùng miền.

Việc tạm dừng đào tạo này có thể nói không làm cho nhu cầu nhân lực hiện nay bị xáo trộn. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục rà soát đối với các ngành, trình độ còn lại về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành trong và ngoài trường...

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các cấp lãnh đạo công khai kết quả khảo sát và năng lực chuyên môn của từng trường để người học có thể lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

- Xin ông cho biết một số thuận lợi khó khăn bất cập trong đào tạo nhân lực ngành y hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Đối với đào tạo nhân lực nói chung và đào tạo nhân lực ngành y tế có nhiều thuận lợi đó là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đầu tư của nhà nước mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều chương trình dự án cho hệ thống y tế trong đó có đào tạo nhân lực y tế. Đặc biệt, gần đây Chính phủ đã phê duyệt hai dự án tập trung cho đào tạo nhân lực y tế đó là Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế, Dự án giáo dục đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực y tế ở nước ta còn nhiều khó khăn bất cập. Trước hết là chương trình đào tạo của Việt Nam chưa hội nhập với thế giới cả về cách tiệp cận, phương pháp và chất lượng sản phẩm đầu ra. Ngành y cần được đào tạo đặc biệt, có thời gian học dài, chi phí tốn kém, phải trải qua học chuyên khoa sâu và đòi hỏi học tập suốt đời mới có thể hành nghề khám chữa bệnh tốt được.

Nhìn lại thực tế, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện các vấn đề trên còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh những khó khăn về đào tạo, chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, còn nhiều khó khăn, bất cập. Điều này cũng góp phần dẫn tới tình trạng mất cân đối trong phân bố nguồn nhân lực giữa các tuyến, các vùng miền, cơ cấu nguồn nhân lực chưa hợp lý.

- Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành y tế, ông có thể cho biết Bộ Y tế có đề xuất giải pháp gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Về đào tạo, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan để hoàn thiện về hệ thống thể chế theo hướng cần thực hiện nghiêm túc, công khai, công bằng các quy định về các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện cụ thể trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp trong đào tạo nhân lực y tế.

Thứ hai, về tuyển chọn, trong thời gian tới cần nghiên cứu việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Thứ ba, đó là chính sách về sử dụng và đãi ngộ, cần có chế độ về lương và phụ cấp phù hợp. Ví dụ thời gian đào tạo bác sỹ là 6 năm cao hơn các ngành khác trong khi mức lương khởi điểm lại không cao hơn…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục