Bộ Y tế khuyến cáo không nên phụ thuộc vắcxin tiêm chủng dịch vụ

Bộ Y tế khuyến cáo không nên phụ thuộc vào vắcxin tiêm chủng dịch vụ

Hiện tượng thiếu vắcxin tiêm chủng dịch vụ sẽ còn tiếp tục khan hiếm, vì vậy, Bộ Y tế người dân không nên có tâm lý chờ đợi mà nên tiêm các vắcxin tương ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiêm phòng là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế đã đưa ra dự báo hiện tượng thiếu vắcxin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắcxin 6 trong 1; và 5 trong 1 sẽ còn tiếp tục khan hiếm kéo dài trong năm 2015.

Vì vậy, người dân không nên có tâm lý chờ đợi tiêm vắcxin dịch vụ mà nên tiêm các vắcxin tương ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng chống dịch bệnh.

Để khắc phục tình trạng khủng hoảng thiếu vắcxin dịch vụ 5 trong 1, hay 6 trong 1; vừa qua, tại nhiều điểm tiêm dịch vụ đã bắt đầu triển khai việc tiêm chủng cho trẻ bằng vắcxin thay thế Quinvaxem 5 trong 1 chất lượng và tác dụng tương ứng.

Đây là vắcxin tiêm chủng mở rộng miễn phí mà các trẻ đủ hai tháng tuổi đều được tiêm chủng mũi 1 ngay tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Vắcxin Quinvaxem có thành phần kháng nguyên phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam)

Về tính an toàn và hiệu quả của vắcxin Quinvaxem, giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh vắcxin này có thành phần kháng nguyên phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib. Đây là vắcxin do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF mua và gửi cho Việt Nam, đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền kiểm định về chất lượng.

Trên thế giới, hơn 400 triệu liều vắcxin này đã được sử dụng ở hơn 40 nước trên thế giới. Tại, Việt Nam có 22,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem đã được sử dụng cho trẻ em từ 2-4 tháng tuổi.

“Kinh nghiệm thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy vắcxin này an toàn và hiệu quả cao. Các kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắcxin Quinvaxem trong thời gian qua đều cho thấy không liên quan đến chất lượng vắcxin, mà chủ yếu là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng như nhiễm trùng huyết, viêm não-màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, chết đột tử, sặc sữa...,” giáo sư Hiển phân tích.

Theo ông Hiển, các mẫu vắcxin cũng đã được kiểm tra và khẳng định về tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế cũng như tại các phòng xét nghiệm quốc tế. Chất lượng và độ an toàn của vắcxin này tương đương với các vắcxin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.

Tỷ lệ tiêm vắcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm vừa qua đạt trên 95% ở trẻ em dưới 1 tuổi. Ông Kohei Todak - Chuyên gia WHO tại Việt Nam cho hay, vắcxin Quinvaxem là một vắcxin an toàn và có chất lượng được tiền thẩm định bởi Cơ quan quản lý về vắcxin (NRA) được WHO chấp thuận.

Tất cả các vắcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đều thuộc kiểm soát của Hệ thống quản lý quốc gia của Bộ Y tế để quản lý chất lượng, tính hiệu quả và tính an toàn của vắcxin.

“Chúng tôi đã ước tính rằng vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã cứu sống khoảng 42.000 người và khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chúng tôi tin rằng vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam có chất lượng, hiệu quả và tính an toàn cao,” ông Kohei Todak đánh giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục