Bộ Y tế kết luận vụ đâm vật nhọn có nguy cơ gây nhiễm HIV

Bộ Y tế kết luận vụ đâm vật nhọn có nguy cơ gây nhiễm HIV ở Thanh Hóa

Sau khi khám sàng lọc, tư vấn, đánh giá nguy cơ, các bác sỹ khẳng định tất cả học sinh liên quan trong vụ đâm vật nhọn tại tỉnh Thanh Hóa không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS.
Bộ Y tế kết luận vụ đâm vật nhọn có nguy cơ gây nhiễm HIV ở Thanh Hóa ảnh 1Cán bộ y tế của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Trong những ngày qua trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về vụ việc một nhóm học sinh ở Trường Trung học cơ sở Xuân Thiên (Thanh Hóa) dùng que thép, nan hoa, kim tiêm nghi có dính máu HIV đâm vào các bạn cùng trường, khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.

Trước sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) để có thông tin rõ hơn về vụ việc này.

- Vừa rồi, có một số học sinh tại Thanh Hóa dùng thanh sắt nhọn, đâm từ người có virus HIV rồi tiếp tục đâm sang người khác. Là một đơn vị chủ quản thuộc Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực này, xin ông cho biết cụ thể hơn những thông tin trên?

Thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh: Trước sự việc trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan kiểm tra vụ việc và kịp thời có giải pháp.

Cụ thể, tại Trường Trung học cơ sở Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa mấy ngày gần đây trong giờ ra chơi các em đã đùa nghịch lấy lá vạn tuế chọc ghẹo nhau, sau đó một số cháu lại dùng dây thép buộc chổi hay nan hoa xe đạp châm chọc nhau. Trò đùa nghịch này cũng không có vấn đề gì quá nghiêm trọng vì có em chỉ đau nhẹ, có em cũng có xây xước chỗ bị châm.

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi các cha mẹ các em học sinh biết rằng trong số các bị châm chọc đó có một em học sinh nam lớp 8 bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con và họ lo lắng con họ có khả năng bị nhiễm HIV. Một số phụ huynh đã yêu cầu nhà trường giải quyết và xét nghiệm HIV cho con họ.

- Vậy ông có thể cho biết kết quả sau khi ngành y tế tiến hành xét nghiệm mẫu máu của các học sinh trên?

Thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh: Nhận thấy sự việc trên có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ và việc học tập của các cháu học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện và kịp thời đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nhờ kiểm tra.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, cử các thầy thuốc có kinh nghiệm để khám, tư vấn, đánh giá nguy cơ cho 38 em bị châm chọc theo yêu cầu của nhà trường và phụ huynh.

Tất cả học sinh nói trên đã được các bác sỹ chuyên khoa khám sàng lọc, tư vấn, đánh giá nguy cơ rất cẩn thận và khẳng định không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS nên không cần thiết phải dùng thuốc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV).

Kết quả là hầu hết các em và phụ huynh đều yên tâm và sáng ngày 5/9 có 412 cháu trong tổng số 415 cháu tham gia lễ khai giảng năm học mới. Đặc biệt, cháu học sinh nhiễm HIV vẫn đứng trong đội cầm cờ như những năm trước.

Sự việc đáng tiếc trên là do trò đùa nghịch thái quá của một số học trò, không có sự tổ chức hay cầm đầu của một cá nhân nào.


- Vấn đề hiện nay được rất nhiều người dân quan tâm là việc dùng thanh sắt nhọn, đâm từ người có HIV rồi tiếp tục đâm sang người khác như trường hợp ở một trường học ở Thanh Hóa mà báo chí nêu thì khả năng lây nhiễm HIV của các em khác như thế nào?

Thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh: Như chúng ta đã biết khả năng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phơi nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ, thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người.

Kết quả một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xác suất lây nhiễm HIV khi bị đâm kim tiêm của người nhiễm HIV là 0,3%. Tức là trong 1.000 người bị phơi nhiễm theo cách đó thì có khoảng 3 người bị lây nhiễm HIV. Trong khi đó, kim tiêm có độ rỗng và lượng máu chứa trong kim tiêm sẽ nhiều hơn trên vật sắc nhọn không có nòng, thì xác suất này có thể còn thấp hơn rất nhiều.

Hơn nữa, các em học sinh châm chọc nhau một cách ngẫu nhiên nên không phải 43 em đó đều bị phơi nhiễm với HIV từ em học sinh bị nhiễm HIV. Bởi thực tế em học sinh bị nhiễm HIV cũng chỉ bị châm chọc có hai lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương.

Bên cạnh đó, em học sinh nhiễm HIV này đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus và sức khỏe rất tốt. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus cũng ức chế và tải lượng virus thấp làm nguy cơ lây nhiễm HIV cũng giảm.

Như vậy, trong trường hợp trên, cơ quan chuyên môn về HIV/AIDS đã đánh giá nguy cơ dựa trên vật dụng đâm, chọc, các vết thương của cháu học sinh bị nhiễm, tình trạng điều trị ARV của cháu học sinh nhiễm HIV và đặc biệt là các vết đâm chọc của từng học sinh khác cũng như yếu tố nguy cơ khác và khẳng định không có nguy cơ nên không có trường hợp nào phải dùng thuốc kháng virus để dự phòng phơi nhiễm.

- Vậy ông có thể cho biết, trong trường hợp bị đâm vật nhọn từ một người có HIV như trên thì nên xử trí như thế nào?

Thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh: Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xử trí phơi nhiễm HIV nghề nghiệp (cho cán bộ y tế, công an) và ngoài nghề nghiệp.

Trong trường hợp bị đâm gây tổn thương da chảy máu thì người bị đâm phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Sau đó người bị đâm cần đến cơ sở y tế, nên đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất, hoặc Trung tâm y tế huyện hay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời.

Nếu xác định có nguy cơ, đối tượng sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng bốn tuần. Việc điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cần tiến hành sớm ngay sau khi bị tổn thương đâm gây chảy máu trong vòng 4- 6 giờ và không quá 72 giờ, sau 72 giờ việc điều trị là không có tác dụng dự phòng.

Như vậy, chỉ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc ARV khi xác định có nguy cơ và phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ.


- Nhiều ý kiến cho rằng, tại các trường học nên tách học sinh bị nhiễm HIV với các học sinh khác. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

Thạc sỹ Hoàng Đình Cảnh: Vấn đề đảm bảo cho trẻ em nhiễm HIV được đến trường là trách nhiệm của toàn xã hội.

Về mặt khoa học, HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, học chung, sống chung, làm việc chung, muỗi đốt… nên không cần thiết phải tách biệt hay cấm đoán. Đến nay chưa có bất cứ báo cáo nào trên Thế giới là trẻ em bị lây nhiễm HIV do học chung, sống chung.

Về mặt luật pháp, hiện nay, chủ trương của nước ta là khuyến khích việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em.

Điều đáng mừng là hiện nay sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV trong các trường học về cơ bản đã giảm đáng kể. Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV đã được học và hòa nhập cộng đồng, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục