Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng khung giá dịch vụ khám chữa bệnh mới nhất

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 21/2023/TT-BYT quy định nguyên tắc và thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Khám bệnh cho người lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 21/2023/TT-BYT quy định Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Thông tư quy định nguyên tắc và thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền quyết định mức giá cụ thể của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý không được vượt quá mức tối đa khung giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư này.

Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý và quyết định mức giá cụ thể hoặc thực hiện áp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp theo nguyên tắc: Các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.

Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tu 21.

Đối với dịch vụ kỹ thuật mới theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ kỹ thuật còn lại khác (trừ các dịch vụ đã được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện) chưa được quy định khung giá:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và đề xuất mức giá trình cơ quan có thẩm quyền tạm thời quyết định mức giá;

Định kỳ 6 tháng (tuần thứ 4 của tháng 6 và tuần thứ 4 của tháng 12 hằng năm) các đơn vị, địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để xem xét, quyết định;

Trình tự và hồ sơ phương án giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Theo đó, khung giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm:

  1. Khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe
  2. Khung giá dịch vụ ngày giường bệnh
  3. Khung giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm

Số lần và giá khám bệnh trong một số trường hợp được áp dụng thế nào?

Thông tư 21/2023/TT-BYT quy định về hướng dẫn thực hiện giá khám bệnh như sau:

  1. Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh thực hiện theo quy định tại mục 3 dưới đây. Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh.
  2. Cơ sở khám chữa bệnh có tổ chức khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng, người đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh và khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng thì được tính như khám bệnh tại khoa khám bệnh. Việc tính số lần khám bệnh, mức giá thực hiện theo quy định tại mục 3 dưới đây
  3. Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở khám chữa bệnh (có thể trong cùng một ngày hoặc do điều kiện khách quan hoặc yêu cầu chuyên môn nên chưa hoàn thành được quá trình khám bệnh trong ngày mà phải tiếp tục khám bệnh trong ngày tiếp theo), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 02 chỉ tính 30% mức giá của 01 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phi khám bệnh của người đó không quá 02 lần mức giá của 01 lần khám bệnh.
  4. Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 02 trở đi trong một ngày. Việc thanh toán thực hiện theo quy định tại mục 3

Các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh gồm những gì?

Thông tư 21/2023/TT-BYT quy định về cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh như sau:

Các chi phí được tính trực tiếp trong mức giá khám bệnh gồm có:

  1. Chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, ga, gối, đệm, chiếu, văn phòng phẩm, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa và các vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh;
  2. Chi phí về điện; nước; nhiên liệu; xử lý chất thải sinh hoạt, chỉ thai y tế (rắn, lỏng); giặt, là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng đồ vải, dụng cụ thăm khám; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh;
  3. Chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: Điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt. bản, ghế, giường, tu, đèn chiếu sáng, các bộ dụng cụ, công cụ cần thiết khác trong quá trình khám bệnh.

Theo Bộ Y tế, Thông tư 21/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 17/11/2023 và thay thế cho các văn bản như: Thông tư 37/2018/TT-BYT; Thông tư 14/2019/TT-BYT; Tiếp tục áp dụng danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về quy trình kỹ thuật và chi phí đã quy định tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục kỹ thuật tương đương thực hiện Thông tư 37/2018/TT-BYT.

Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định mức giá khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục thực hiện mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định mức giá theo quy định tại Thông tư này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục