Bộ Y tế hợp tác với 8 tổ chức quốc tế về hoạt động phục hồi chức năng

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với khoảng 11 triệu người cao tuổi, do đó nhu cầu phục hồi chức năng rất cao.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước về hoạt động phục hồi chức năng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 2/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với 8 tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước về hoạt động phục hồi chức năng và Hội thảo góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Điều số 93 về Phục hồi chức năng).

Phát biểu tại lễ ký kết, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe người dân. Trong điều trị COVID-19 của Tiểu ban Điều trị thời gian qua, công tác phục hồi chức năng đã góp phần phục hồi sức khỏe của người bệnh COVID-19, đặc biệt những bệnh nhân nặng như BN 91, BN 19, BN 161…

[Bệnh nhi 3 tuổi bị chọc rách vòm họng khi hút nước bằng ống sắt]

Theo tổng điều tra quốc gia về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào tháng 1/2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,09% dân số. Bên cạnh đó, có 13% dân số, tương đương gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với khoảng 11 triệu người cao tuổi, do đó nhu cầu phục hồi chức năng rất cao.

Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19); Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-COV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng… để phát huy phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh và người khuyết tật.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ký kết biên bản hợp tác với 8 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phục hồi chức năng gồm: Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH), Tổ chức Fedération Handicap International (HI), Tổ chức The International Center (IC), Tổ chức Uỷ ban y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV), Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD), Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững-VietHealth, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân Số (CCIHP).

Biên bản ghi nhớ với các tổ chức để cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thúc đẩy sự phát triển ngành phục hồi chức năng Việt Nam và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được tăng cường và ngày càng phát huy hiệu quả.

Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH) và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ký thỏa thuận hợp tác về thực hiện hoạt động nhằm tăng cường năng lực của ngành Phục hồi chức năng trong đó tập trung thực hiện dự án: “Thực thi quyền, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người khuyết tật” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoà Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án sẽ thực hiện công tác đào tạo nguồn lực phục hồi chức năng và xây dựng hệ thống phục hồi chức năng tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước; khám chữa bệnh phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và hỗ trợ phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại vùng dự án, ưu tiên nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến vào các nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đặc biệt là Điều số 93 về phục hồi chức năng của Dự thảo Luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009, Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 và có 91 Điều. Tuy nhiên, Luật chưa quy định khái niệm (giải thích từ ngữ) về phục hồi chức năng; chưa hiểu rõ về bản chất, vai trò, tầm quan trọng của phục hồi chức năng trong ngành y tế và hệ thống khám chữa bệnh; chưa có điều khoản cụ thể quy định về phục hồi chức năng trong Luật…

Việc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ký kết Biên bản ghi nhớ với các tổ chức nhằm cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thúc đẩy sự phát triển ngành phục hồi chức năng Việt Nam và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được tăng cường và ngày càng phát huy hiệu quả. Mỗi tổ chức có kinh nghiệm và thế mạnh riêng do đó, việc hợp tác với các tổ chức và lựa chọn hoạt động sẽ đảm bảo hạn chế chồng chéo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục