Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên dập dịch bạch hầu

Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối đưa huyết thanh kháng độc tố bạch hầu về điều trị cho bệnh nhân, dự kiến trong cuối tháng 7/2020 sẽ cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên.
Đoàn kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 21/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Trưởng đoàn, cùng với các Tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có buổi làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu.

Theo thống kê, đến ngày 21/7, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 108 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, đã có 2 ca tử vong tại Đắk Nông và 1 ca tại Gia Lai.

Hiện dịch bệnh bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng, gây khó khăn trong công tác khoanh vùng, dập dịch và điều trị bệnh nhân bạch hầu.

Tại buổi làm việc, đại diện ngành y tế các tỉnh đang có dịch bạch hầu cho biết, công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) để điều trị cho bệnh nhân rất khan hiếm, dẫn đến nhiều khó khăn trong điều trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng.

[Đắk Lắk: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với bệnh bạch hầu]

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thiết bị máy móc, nguồn nhân lực còn hạn chế đối với việc điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bạch hầu nặng và có biến chứng.

Theo bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên đều gặp phải khó khăn trong việc tìm nguồn cung huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị bệnh nhân.

Do đó, Bộ Y tế cần sớm có giải pháp để hỗ trợ ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ các khó khăn để đạt hiệu quả trong công tác phòng bệnh và dập dịch.

Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân bạch hầu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ điều trị bằng hình thức hội chẩn trực tuyến đối với các ca bệnh khó, diễn biến phức tạp.

Cùng quan điểm trên, ông Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc hội chuẩn trực tiếp với sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ giúp công tác điều trị các bệnh nhân nặng đạt hiệu quả tốt hơn.

Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối đưa huyết thanh kháng độc tố bạch hầu về điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, dự kiến trong cuối tháng 7/2020 sẽ có nguồn thuốc cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên.

Đoàn công tác đến kiểm tra và thăm bệnh nhân đang điều trị bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự tập trung sức lực, tinh thần, vật chất của các tỉnh Tây Nguyên nhằm khống chế dịch ngay từ giai đoạn khởi đầu.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng chống và dập dịch, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần nâng cao vai trò của các tuyến điều trị tại địa phương, nhất là tuyến y tế cơ sở.

Các tỉnh Tây Nguyên phải có kế hoạch cụ thể để báo cáo lên Bộ Y tế nhu cầu về trang thiết bị, thuốc men phục vụ cho công tác điều trị và dự phòng bệnh bạch hầu.

Đoàn công tác sẽ ghi nhận các ý kiến về những khó khăn ở địa phương để báo cáo lên Bộ trưởng, từ đó có kế hoạch hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai hiệu quả công tác điều trị và dập dịch bạch hầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục