Chiều 6/8, tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết bệnh tiêu chảy là một trong những bệnh có số mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam; trong đó bệnh tả là nguyên nhân tiêu chảy quan trọng ở Việt Nam.
Trên thế giới, dịch tả vẫn diễn biến phức tạp, ghi nhận chủ yếu tại khu vực Trung Mỹ, Tây và Trung Phi và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Hiện nay, đã ghi nhận phẩy khuẩn tả trong môi trường nên nguy cơ lây truyền sang người rất cao.
Theo thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 500.000 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy và số mắc thường tăng cao vào những tháng mùa Hè với thời tiết nóng ẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân còn hạn chế, thói quen phòng bệnh của người dân chưa cao. Bệnh tiêu chảy thường có số mắc cao ở những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Thanh Hóa có 1 trường hợp và Thành phố Hồ Chí Minh với 2 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy giảm 14,9%.
Cục Trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Dịch bệnh do virus Ebola rất nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh. Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, bệnh được xếp vào nhóm A - tức là nhóm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao.
Dịch bệnh do virus Ebola có thể lây lan thông qua các đối tượng như công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola.
Để chủ động đối phó với dịch bệnh do virus Ebola, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động như gửi công văn yêu cầu các Bộ (Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế; đề nghị ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Ebola; tăng cường truyền thông; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thuộc phạm vi quản lý về phòng chống lây nhiễm bệnh khi đi đến các nước có dịch bệnh.
Về bệnh viêm não, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 565 trường hợp viêm não do virus tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 22 trường hợp tử vong.
Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước. Tại tỉnh này, từ tháng Sáu đến nay, ghi nhận hơn 100 ca mắc hội chứng não-màng não; trong đó có 13 ca tử vong. Qua kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, Bộ Y tế khẳng định, 13 trường hợp tử vong ở Sơn La thời gian qua không phải do viêm não Nhật Bản B mà do hội chứng não cấp hoặc viêm não do virus.
Tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh: để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, cần tăng cường hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống các bệnh như tả, sốt xuất huyết, viêm não nói chung. Đồng thời, tăng cường vệ sinh môi trường; giám sát các ca bệnh tiêu chảy.
Về bệnh do virus Ebola, ngành y tế cần tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh đầu tiên; triển khai áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt cung cấp số liệu chính xác về các trường hợp mắc bệnh tránh gây hoang mang cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Kim đề nghị tăng cường tập huấn cho các cán bộ y tế về giám sát dịch, điều tra, báo cáo dịch và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên để có biện pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, thành lập 5 đoàn kiểm tra về các mẫu nước máy, nước giếng và nước đóng chai.../.