Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Y tế giải trình việc mua vaccine COVID-19 và làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để chậm trễ mua vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi.
Kiểm tra, thanh tra việc mua vaccine COVID-19 cho trẻ em.
Văn phòng Chính phủ có văn bản trực tiếp gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm tra, thanh tra việc mua vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.
[Thủ tướng: Thần tốc hơn nữa trong việc tiêm mũi 3 vaccine COVID-19]
Theo đó, yêu cầu Bộ Y tế thực hiện thanh tra nội bộ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm triển khai mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.
Trước đó ít ngày, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm việc chậm mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản khác nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong ngày 10/3 phải báo cáo giải trình việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại sao chậm mua vaccine?
Lý giải việc chậm trễ mua vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong bản báo cáo giải trình tiến độ mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3, Bộ Y tế cho biết ngày 05/2/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết về mua trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, quyết định về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt với gói thầu này.
Ngày 08/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành 170/QĐ-TTg về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với gói thầu mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/2/2022 của Chính phủ và Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã khẩn trương làm việc với Pfizer để thương thảo, hoàn thiện các nội dung của dự thảo hợp đồng mua vaccine. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hợp đồng phụ thuộc nhiều vào phía Pfizer do Pfizer là phía soạn thảo hợp đồng, Bộ Y tế không chủ động được, quá trình thương thảo cụ thể như sau:
Ngày 10/2/2022, Bộ Y tế có văn bản số 591/BYT-KH-TC gửi Pfizer đề nghị hoàn thiện hợp đồng mua vaccine, mong muốn nhận đủ vaccine trong Quý 1-2 và có sự khẳng định của Pfizer về giá mỗi liều vaccine.
Ngày 25/02/2022, Pfizer gửi dự thảo hợp đồng mua vaccine.
Ngày 01/3/2022, Bộ Y tế đã họp trực tuyến với Pfizer để làm rõ một số nội dung trong dự thảo hợp đồng mà Pfizer gửi ngày 25/2/2022.
Ngày 04/3/2022, Pfizer có thư xác nhận về giá vaccine và một số nội dung của hợp đồng (trả lời văn bản số 591/BYT-KH-TC của Bộ Y tế ngày 10/2/2022).
Ngày 07/3/2022, Pfizer có thư làm rõ các ý kiến của Bộ Y tế tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế với Pfizer ngày 01/3/2022.
Ngày 10/3/2022, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản số 1145/BYT-KH-TC gửi Pfizer đề nghị làm rõ một số nội dung của hợp đồng theo ý kiến của một số đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương hoàn thiện dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình Bộ Y tế phê duyệt theo đúng các quy định của Luật đấu thầu.
Trong quá trình làm việc với Pfizer để mua 21,9 triệu liều vaccine, Bộ Y tế nhận được thông tin từ CDC Hoa Kỳ về khả năng có thể viện trợ khoảng 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1153/BYT-KH-TC ngày 10/3/2022 (có văn bản kèm theo).
Cùng với đó ngày 08/3/2022 Thủ tướng Chính phủ tiếp đoàn Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) của Hoa Kỳ và ngày 10/3/2022 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp đoàn USABC của Hoa Kỳ: Thành viên trong đoàn thông báo sẽ hỗ trợ Việt Nam vaccine Moderna tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị phía Hoa Kỳ (Chính phủ Mỹ) sớm thông báo cho Việt Nam số lượng cụ thể và thời gian cụ thể hỗ trợ để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để mua tiếp số vaccine còn thiếu của Pfizer, phía bạn cam kết sẽ có văn bản trả lời sớm nhất.
Ngay sau khi có xác nhận của US CDC về số lượng vaccine hỗ trợ cho Việt Nam, Bộ Y tế sẽ báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ về số lượng mua vắc xin trực tiếp từ Pfizer và ký hợp đồng theo quy định. Nếu đến ngày 15/3/2022 mà phía Hoa Kỳ chưa thông báo cụ thể số lượng vaccine hỗ trợ cho Việt Nam, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Y tế ký hợp đồng mua 21.9 triệu liều vaccine của Pfizer và từ chối không nhận vaccine viện trợ từ Hoa Kỳ để tránh vaccine không sử dụng hết phải tiêu hủy.
Trước đó, tại Nghị quyết số 14, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện ngành y tế đang lên phương án tiêm vaccine COVID-19 (về nhân lực, cơ sở hạ tầng) để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và kể cả phương án tiêm vaccine mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất đã triển khai thành công với hơn 200 triệu liều vaccine, trong đó tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong chiến dịch này, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, nhân dân các nước và các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO qua cơ chế phân bổ vaccine quốc tế COVAX. Từ lô vaccine đầu tiên từ COVAX vào ngày 1/4/2021 với hơn 800.000 liều, đến nay COVAX đã hỗ trợ Việt Nam hơn 53 triệu liều.
Cùng với viện trợ song phương, Việt Nam cũng đã nhận được 29,5 triệu liều, nâng tổng số viện trợ qua COVAX và kênh song phương là gần 83 triệu liều, chiếm gần 40% trong tổng số 217 triệu liều vaccine mà Việt Nam nhận được tính đến thời điểm này./.