Ngày 27/12, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo góp ý về mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá và tăng diện tích in cảnh báo trên bao bì thuốc lá.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Nghị định 77/2013/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hơn một thập kỷ triển khai tại Việt Nam, đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập cần được khắc phục. Bộ Y tế đã chủ động làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện đồng bộ các quy định, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả của pháp luật trong bối cảnh mới.
Một trong những vấn đề lớn đặt ra hiện nay là tình trạng hút thuốc tại các quán bar, karaoke, vũ trường, nhà hàng và quán ăn. Mặc dù đã có quy định yêu cầu cấm hút thuốc ở những nơi này nhưng thực tế có nhiều cơ sở vẫn cho phép hút thuốc hoặc bố trí khu vực hút thuốc không đúng quy định.
Ngoài ra, nhiều nơi thiếu biển báo cấm hút thuốc hoặc biển báo có kích thước và vị trí không hợp lý, làm giảm hiệu quả trong việc nhắc nhở người dân về việc tuân thủ luật.
Đặc biệt, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm tại các bến tàu, nhà ga, các địa điểm công cộng khác còn hạn chế do thiếu nhân lực và phương tiện giám sát. Nhiều cơ sở còn hiểu sai quy định về việc bố trí khu vực hút thuốc trong nhà, dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định này. Điều này cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 77/2013/NĐ-CP để đảm bảo các quy định được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, Thông tư số 05/2013/TTLT-BYT-BCT cũng quy định diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá, mẫu phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, chuyên viên Vụ Pháp chế, nội dung và hình ảnh cảnh báo đã không thay đổi trong suốt 10 năm qua, dẫn đến giảm hiệu quả trong việc cảnh báo người dân về tác hại của thuốc lá.
Việc thay đổi diện tích in cảnh báo, cũng như thay đổi mẫu cảnh báo định kỳ sẽ giúp tăng cường hiệu quả tuyên truyền và nhắc nhở người dân về những nguy cơ sức khỏe do thuốc lá gây ra.
Ngoài ra, thuốc lá nhập lậu hiện không có cảnh báo hình ảnh, gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý và giảm hiệu quả của các chiến dịch tuyên truyền.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Y tế đưa ra một số đề xuất quan trọng nhằm cập nhật các quy định và chính sách về phòng chống tác hại của thuốc lá. Một trong những đề xuất nổi bật là mở rộng diện tích cấm hút thuốc, chuyển đổi dần từ việc bố trí khu vực hút thuốc trong nhà sang cấm hoàn toàn tại các địa điểm công cộng, thí điểm tổ chức khu vực hút thuốc ngoài trời tại các sân bay, nhà ga và khách sạn.
Bộ Y tế cũng đề xuất thay đổi diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, từ mức yêu cầu hiện tại là 50% diện tích bao bì lên ít nhất 75%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo báo cáo về nạn dịch thuốc lá của Tổ chức Y thế giới (WHO) năm 2023, hiện có 74 quốc gia áp dụng môi trường không khói thuốc 100%, bảo vệ 2,1 tỷ người khỏi phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động.
Chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi đã triển khai chính sách 100% không khói thuốc, Thạc sỹ Lê Thị Thu, Cố vấn cao cấp Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá cho hay chính sách này đã bảo vệ được 237 triệu người dân, tương đương 16,8% tổng dân số Bắc Kinh.
Đặc biệt, Bắc Kinh đã triển khai ứng dụng điện thoại thông minh để người dân có thể phản ánh tình trạng vi phạm, đồng thời sử dụng mạng lưới 15.000 tình nguyện viên để kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định.
Mục tiêu chính của việc sửa đổi Nghị định 77/2013/NĐ-CP là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, đạt hiệu quả của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá. Việc tăng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá cũng nhằm giảm tỷ lệ phơi nhiễm với thuốc lá và ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt trong các khu vực trong nhà.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và đề xuất các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng. Việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng là một trong những biện pháp quan trọng để đạt được hiệu quả cao trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Bộ Y tế cũng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ sức khỏe người dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá./.
Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới
Năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành của Việt Nam có giảm song tương đối chậm.