Hiện nay, tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và ở các tỉnh, số bệnh nhân mắc cúm đến khám tại các bệnh viện gia tăng trong thời gian gần đây.
Thời tiết tại nước ta hiện nay đang là mùa Đông Xuân, lạnh, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, tăng khả năng mắc bệnh cúm mùa.
Hàng trăm bệnh nhi mắc cúm
Trong 2 tuần đầu năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có tới hơn 300 bệnh nhi chẩn đoán mắc cúm. Tuần qua, ở các tỉnh miền Bắc thời tiết ấm hơn nên số bệnh nhi có giảm. Tuy nhiên, khi nhiệt độ trở lạnh, nguy cơ mắc cúm vẫn luôn thường trực.
[Số người nhiễm cúm tại Nhật Bản đạt mức kỷ lục gần 3 triệu người]
Trẻ đến khám vì bị sốt cao liên tục, kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, một số có biểu hiện viêm phế quản. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh cúm mùa thông thường.
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương, thời tiết thay đổi khiến tỷ lệ bệnh nhân nhiễm cúm và nhiễm virus tăng khá cao.
Từ đầu tháng 1/2018 đến nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã tiếp nhận gần 300 bệnh nhân mắc cúm, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 ca mắc cúm A.
Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Trước tình hình nhiều bệnh nhân mắc cúm và bệnh thường dai dẳng, lâu khỏi, nhiều người lo ngại mắc những chủng cúm mới khi dịch cúm có đang gia tăng một cách bất thường.
Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng virus mới (lạ) nào tại Việt Nam.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu phân tích, cúm mùa lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. Tuy nhiên, số ca bệnh mắc năm nay cũng không có sự bất thường quá lớn do với những năm trước. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông và mùa Xuân.
Kết quả giám sát bệnh cúm trên người tại Việt Nam ghi nhận chủ yếu là cúm A/H3N2 (chiếm 37,2%), A/H1N1 (chiếm 34,7%), B (chiếm 28,1%).
Biểu đồ về các bệnh cúm trên người tại Việt Nam trong năm 2017. (Nguồn: Bộ Y tế)
Việt Nam vẫn chưa ghi nhận cúm A/H7N9
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam, virus cúm A/H5N1 bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch cúm gia cầm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi của người dân.
Mặc dù tại Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A/H7N9 với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, song qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 kể cả trên người và trên gia cầm.
Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N6 ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N8, cúm A/H5N2 trên cả gia cầm và người.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng virus cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam.
Virus cúm có 3 typ là A, B, C, trong đó cúm typ A là typ thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng vi rút có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, virus cúm A có thể có nhiều loại phân typ cúm (có thể tới 144 loại) ví dụ như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8….
Trên thế giới, một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng virus cúm rất đáng quan tâm, các gen của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng virus cúm đe dọa cho sức khỏe con người.
Đặc biệt, từ năm 2013 tại Trung Quốc đã ghi nhận chủng virus cúm A(H7N9) làm mắc khoảng 1.600 người, trong đó có hơn 600 trường hợp tử vong.
Tại Mỹ, các trường hợp ghi nhận cúm mùa bắt đầu ghi nhận tăng từ các tháng cuối năm 2017 và đầu 2018, đến nay đã có khoảng 11.965 trường hợp xác định cúm được báo cáo từ bệnh viện.
Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng virus cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao./.
1. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắcxin phòng bệnh cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
6. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín.
7. Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.