Bộ Y tế Ấn Độ ngày 3/12 nhận định mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại nước này có thể sẽ thấp nhờ các nỗ lực tiêm phòng và đa số ca mắc hiện nay nhiễm biến thể Delta.
Tuyên bố của Bộ trên nhấn mạnh với tốc độ tiêm chủng nhanh hiện nay tại Ấn Độ và tỷ lệ phơi nhiễm biến thể Delta ở mức cao khiến người dân đã có lượng lớn kháng thể, độ nghiêm trọng của dịch bệnh có thể ở mức thấp. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn đang tiếp tục thu thập thêm các bằng chứng khoa học.
Cùng chung quan điểm trên, nhà dịch tễ học Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Động lực học dịch bệnh, kinh tế và chính sách - có trụ sở ở Washington - nhận định biến thể mới Omicron dường như sẽ gây tử vong ít hơn ở Ấn Độ so với làn sóng dịch thứ hai do biến thể Delta gây ra, vốn khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng cảnh quá tải hồi đầu năm nay.
[Các nước tăng cường biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron]
Ông Ramanan Laxminarayan cho rằng người dân Ấn Độ đã phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng và tỷ lệ tiêm chủng ở Ấn Độ khá cao nên nước này có khả năng ít bị ảnh hưởng bởi biến thể mới của virus, theo đó biến thể Omicron có thể chỉ gây ra các nhiễm trùng ở mức độ nhẹ, nên những ảnh hưởng liên quan đến việc nhập viện và sức ép đối với hệ thống y tế sẽ ít hơn so với đợt lây nhiễm thứ hai.
Ấn Độ chứng kiến đợt bùng phát COVID-19 mạnh nhất thế giới vào đầu tháng Năm vừa qua, với số ca nhiễm mới trên 400.000 ca/ngày, khi biến thể Delta hoành hành khắp quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Cho đến nay, nước này đã tiêm hơn 1,25 tỷ mũi vaccine ngừa COVID-19 và đã tạo được mức độ miễn dịch tự nhiên cao trong dân chúng. Một cuộc khảo sát huyết thanh hồi tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua cho thấy hơn 2/3 dân số Ấn Độ có kháng thể với COVID-19. Đến nay, khoảng 48,5% dân số trưởng thành của Ấn Độ đã được tiêm vaccine đủ liều.
Ngày 2/12 vừa qua, Ấn Độ đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này. Cả hai ca đều ở bang miền Nam Karnataka, trong đó một người đã rời khỏi Ấn Độ./.