Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch hạ tầng, khu dân cư an toàn chống lũ

Bộ Xây dựng cho biết sẽ ra văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch, xây dựng các khu dân cư cũng như hạ tầng kỹ thuật chống lũ.
Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch hạ tầng, khu dân cư an toàn chống lũ ảnh 1Nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ ở huyện Thuận Châu, Sơn La. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Để hạn chế tối đa tổn thất về người và tài sản của người dân, chủ động phòng tránh nguy cơ mất an toàn khi xảy ra thiên tai, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ra văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch, xây dựng các khu dân cư cũng như hạ tầng kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, đợt mưa lũ đầu tháng Tám vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh phía Bắc, cả địa bàn vùng biển lẫn vùng núi cao.

Không chỉ tỉnh ven biển như Quảng Ninh chịu ảnh hưởng năng nề của đợt mưa lũ đầu tháng Tám mà các tỉnh vùng núi như Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Sơn La cũng bị tổn thất. Trong đó, tỉnh Điện Biên có nhiều điểm ngập sâu và kéo dài.

Những tổn thất mà các tỉnh vừa trải qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng như bố trí điểm dân cư.

Qua đợt các đợt thực địa tại hiện trường để kiểm định các điểm sạt lở, úng ngập tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình nhận định: chất lượng các công trình xây dựng, quy hoạch chung đô thị và các điểm dân cư của những tỉnh này còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn như tỉnh Quảng Ninh và cụ thể là thành phố Hạ Long thì quy hoạch ngành chưa hoàn thiện, không kết nối đồng bộ với tổng thể quy hoạch chung. Hệ thống cấp thoát nước khu vực đô thị cũng rất có vấn đề bởi Quảng Ninh có các thành phố ven biển thì đáng lẽ phải thuận lợi trong việc thoát nước nhưng tình trạng úng ngập lại vẫn xảy ra và kéo dài. Điều này cho thấy, hạ tầng kỹ thuật công trình nhất là hệ thống thoát nước, phòng chống úng ngập tại các đô thị cần đạt mức chuẩn cao hơn để phòng ngừa những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

​Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Hữu Sy, thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhận xét, sau các đợt thiên tai, mưa lũ, địa phương cần cử cán bộ chuyên ngành đi khảo sát, kiểm tra thực địa để lập bản đồ chỉ rõ cho người dân và cộng đồng biết những khu vực, điểm chịu ảnh hưởng của thiên tai như sạt lở. Đây cũng là một hình thức cảnh báo nguy hiểm rất cần thiết và phải làm ngay. Mặt khác, khi phát triển đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần xác định các hạng mục, công trình ưu tiên để có lộ trình đầu tư thích hợp. Trên cơ sở đó, tìm cách thu hút các nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.

Các chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng cảnh báo các địa phương cần chủ động rà soát, kiểm tra chất lượng, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, kể cả các hồ đập do người dân tự đắp để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Các sự cố sạt lở cần được khẩn trương kiểm tra và khắc phục nhanh để bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính.

Sau đợt mưa lũ này, cần xác định, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao khi khi thiên tai mưa lũ để phục vụ trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; sớm quy hoạch lại các điểm dân cư an toàn theo hướng tính toán, rà soát và phân bố các điểm an toàn cho dân khi mưa lũ kéo về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục