Liên quan tới vụ việc Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba vẽ dự án “ma” lừa đảo khách hàng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau.
Trong đó, trách nhiệm của Bộ Xây dựng cũng như Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Luật Kinh doanh bất động sản.
Chia sẻ rõ hơn tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2019, diễn ra chiều 30/9, ông Ninh cho hay: “Khi triển khai một dự án, sẽ liên quan tới rất nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đô thị, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Nếu nói là dự án vi phạm thì phải xác định vi phạm ở giai đoạn nào.”
Theo ông Ninh, vụ việc Alibaba vi phạm tất cả các luật nêu trên, bởi bản chất đây là dự án “ma” không tuân thủ pháp luật và phải xử theo quy định pháp luật.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật kinh doanh bất động sản. Đồng thời phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, rà soát dự án.
“Còn trách nhiệm chính của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là thanh tra, kiểm tra dự án, xử lý sai phạm, thu hồi đình chỉ tạm dừng, điều chỉnh, cho phép chuyển nhượng theo quy định pháp luật,” ông Ninh nói.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết, trước thực trạng thị trường đáng có nhiều biến động, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 11 về thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường bất động sản.
Về phần mình, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tỉnh thành phố trung ương nói rõ tình hình nhiều dự án xảy ra ở một số địa phương chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền trái quy định, thực hiện giao dịch chuyển nhượng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện…
Ngoài ra, “Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11 và kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định những sai phạm, kể cả theo pháp luật hình sự. Đồng thời, có biện pháp công khai về chương tình kế hoạch phát triển nhà ở, đô thị hạ tầng tránh tình trạng như trên,” ông Ninh nói thêm.
[Những thủ đoạn lừa đảo của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba]
Trước đó, như VietnamPlus đã thông tin, liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba, ngày 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực - em trai của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng Giám đốc công ty này.
Vài ngày trước đó, Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh cũng đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Theo cơ quan công an, Nguyễn Thái Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân (hai em trai Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên, tự vẽ ra 43 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Hầu hết các dự án “ma” do Công ty Alibaba tự “vẽ ra” đều chưa làm thủ tục pháp lý, không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho làm dự án. Thế nhưng, công ty này vẫn quảng cáo là đất nền dự án, giới thiệu rầm rộ, để bán cho các khách hàng.
Công an xác định Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng thu được hơn 2.500 tỷ đồng.
Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 1.000 đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Alibaba./.