Bộ Xây dựng chỉ ra 5 nguyên nhân khiến cải tạo chung cư cũ chậm

Số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn toàn quốc quá lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng, phần lớn tập trung tại nội thành và việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (Hà Nội) nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (Hà Nội) nằm trong danh sách 4 chung cư cũ cấp độ D. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trong 10 năm, số lượng chung cư cũ được xây mới, cải tạo chỉ chiếm chưa đầy 3% là quá ít so với mục tiêu đề ra.

Qua rà soát, Bộ Xây dựng chỉ ra 5 nguyên nhân khiến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn dậm chân tại chỗ bao năm qua.

Trong tổng số 2.500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1994 được thống kê trên toàn quốc, hiện cơ quan chức năng đã rà soát, kiểm định 600 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp C, D, chiếm khoảng 25%.

Dẫn đầu danh sách chung cư cũ hư hỏng và nguy hiểm cấp C, D là Hà Nội với 179 nhà chung cư, Hải Phòng 178, Thành phố Hồ Chí Minh 130, Quảng Ninh 46, Nghệ An 22…

Theo Bộ Xây dựng, số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn toàn quốc hiện quá lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý.

Điều này dẫn đến việc khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn; chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Hơn nữa, đa số nhà chung cư cũ tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số. trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế hiện nay, ngân sách của địa phương cũng còn hạn chế. Đồng thời, các địa phương cũng chưa chủ động, linh hoạt để bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng để tái định cư cũng như đầu tư hạ tầng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cùng đó, một số quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo khó áp dụng để thực hiện trên thực tế như việc quy định phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư.

Trong khi đó, trên thực tế, phải được lựa chọn làm chủ đầu tư thì chủ đầu tư mới lập quy hoạch 1/500 và căn cứ vào đó để xây dựng được phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.

[Cải tạo các khu chung cư cũ: Gỡ khó ngay từ chính sách]

Thêm một nguyên nhân quan trọng nữa là chưa có sự thống nhất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có nhà chung cư bị phá dỡ xây dựng lại với doanh nghiệp tham gia cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Người dân thì đòi bồi thường cao, không chịu bàn giao mặt bằng, trong khi đó, chủ đầu tư thì lại muốn lợi nhuận cao chi phí bỏ ra thấp. Do vậy, cũng làm chậm quá trình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng phân tích.

Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng Bộ Xây dựng cũng dẫn chứng việc một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An đã có kết quả tốt trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, được người dân đồng tình ủng hộ.

Kinh nghiệm cho thấy, thành công tại những địa phương này là nhờ sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách, chủ động huy động các nguồn lực của xã hội và nhận được sự đồng hành, ủng hộ của người dân nơi có nhà chung cư.

Điển hình như thành phố Hải Phòng đã chủ động điều chỉnh quy hoạch 1/2000 các quận có chung cư cũ và lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư; phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Hải Phòng đặt mục tiêu tiến hành phá dỡ 178 chung cư (7.034 hộ) và xây dựng mới 18 chung cư (7.109 hộ) để thay thế.

Đến nay, Hải Phòng đã hoàn thành 3/18 chung cư (182 căn hộ); đang xây dựng 9 nhà chung cư dự kiến hoàn thành trong năm 2020 và đến năm 2022 sẽ hoàn thành 6 nhà chung cư còn lại, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền, phân công Ủy ban Nhân dân các quận lập kế hoạch và triển khai thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cải tạo, xây dựng mới đối với 237 chung cư hư hỏng trên tổng số 474 chung cư được xây dựng trước 1975.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 15 chung cư gồm 7 chung cư hư hỏng nặng, 8 chung cư nguy hiểm. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn được 10 chủ đầu tư, đang làm thủ tục công nhận 1 chủ đầu tư và 4 chung cư đang kêu gọi đầu tư.

Tại Hà Nội cũng đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng 16 chung cư; hiện đang tiếp tục triển khai thi công 7 dự án.

Thực hiện Nghị định 101/2015/NĐ-CP, hiện thành phố Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn phố.

Thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng Hà Nội lập Đề án tổng thể về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn và đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục