Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính

Mục tiêu của kế hoạch là thực hiện giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị...
Những tòa nhà, chung cư cao tầng mọc lên san sát giữa đô thị Hà Nội đang ngày chật hẹp. (Ảnh: CTV)

Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030, trong đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát triển các hoạt động của ngành xây dựng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, mục tiêu của kế hoạch là thực hiện giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế.

Kế hoạch cũng hướng tới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công trình xây dựng đầu tư cải thiện công nghệ, tăng cường năng lực quản lý sản xuất, xây dựng công trình nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; nâng cao năng lực quản lý của Bộ Xây dựng về giảm phát thải khí nhà kính trong linh vực quản lý của ngành.

Để thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch nêu trên, Bộ Xây dựng đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; nhiệm vụ về chuẩn bị nguồn lực; nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch về đo đạc, báo cáo, thẩm định.

[Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng về giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí]

Trong đó, nhóm nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm các nhiệm vụ: kiểm kê khí nhà kính định kỳ cho năm 2018, 2020 đối với sản xuất vật liệu xây dựng, chất thải rắn, công trình xây dựng và đô thị; nghiên cứu và đề xuất cơ chế hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các hoạt động ngành xây dựng; xây dựng các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia cho sản xuất vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, nhất là với xi măng.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Việt Hùng/Vietnam+)

Tương tự, với nhóm nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công tình công cộng và dân sinh; chống ngập cho các thành phố ven biển, xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, củng cố và xây mới các công trình cấp, thoát nước tại các đô thị lớn…

Đối với nhóm nhiệm vụ về chuẩn bị nguồn lực, ngoài việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thể chế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đô thị, quản lý chất thải rắn, phát triển công trình “xanh,” Bộ Xây dựng cũng đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu có tiềm năng và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với nhóm nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch về đo đạc, báo cáo, thẩm định, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng hệ thống giám sát chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực của ngành xây dựng; tăng cường đàm phán quốc tế xây dựng các hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris, huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng.

Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu sản xuất, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ định Viện Vật liệu xây dựng và Công ty cổ phần Chứng nhận Quốc tế, thực hiện việc thử nghiệm/chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng như: xi măng, phụ gia cho xi măng và bê tông; xỉ hạt lò cao nghiền mịn dùng cho bê tông; tro bay dùng cho xi măng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục