Bộ Văn hóa phản đối công trình Panorama sai phạm tại Mã Pì Lèng

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc để tồn tại một công trình sai quy định như vậy tại Mã Pì Lèng là trách nhiệm của địa phương.
Bộ Văn hóa phản đối công trình Panorama sai phạm tại Mã Pì Lèng ảnh 1Tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng. (Nguồn: Booking)

Liên quan đến vụ việc tòa nhà xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quan điểm của Bộ là kiên quyết phản đối.

Chủ đầu tư làm sai lệch

“Dù là doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đồng tình việc để tồn tại công trình sai quy định ở Mã Pì Lèng hay ở bất cư địa phương nào dù nó giúp thúc đẩy kinh tế, du lịch của địa phương,” ông Nguyễn Thái Bình phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 8/10, tại Hà Nội.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, vị trí của công trình Mã Pì Lèng Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Đây cũng không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích theo quy định tại Luật Di sản Văn hóa.

[Infographics] Đèo Mã Pì Lèng - Đệ nhất hùng quan ở tỉnh Hà Giang

Cụ thể, Điều 32 (Luật Di sản Văn hóa) nêu rõ Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I... Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Từ đó, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định, việc xây dựng công trình này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng.

Tuy nhiên, Điều 36 (Luật Di sản Văn hóa) quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.”

“Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng,” ông Nguyễn Thái Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, chủ đầu tư của công trình đã cố tình làm sai chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cụ thể, tỉnh Hà Giang đồng ý việc xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách và đã có văn bản khuyến cáo về nguyên liệu, thiết kế công trình phù hợp với cảnh quan (không được tiến hành bêtông hóa). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã làm sai chỉ đạo, khuyến cáo.

Bộ Văn hóa phản đối công trình Panorama sai phạm tại Mã Pì Lèng ảnh 2Ông Nguyễn Thái Bình cung cấp thông tin về công trình sai phạm tại Mã Pì Lèng. (Ảnh: CTV)

Trách nhiệm của địa phương

Cũng trong buổi họp báo, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định, việc để tồn tại một công trình sai quy định như vậy là trách nhiệm của địa phương: “Công trình này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng, quy định của pháp luật khác có liên quan và thẩm quyền trách nhiệm của tỉnh Hà Giang.”

Từ đó, ông Nguyễn Thái Bình đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng.

Trong ngày hôm nay (8/10), Cục Di sản Văn hóa đã cử đoàn công tác tới kiểm tra thực tế công trình tại đỉnh Mã Pì Lèng. Sau khi đoàn khảo sát thực tế sẽ có báo cáo gửi Bộ trưởng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điểm du lịch trên đèo Mã Pì Lèng luôn hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khuyến khích các địa phương phát triển các điểm, sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, các điểm du lịch phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật,” ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế.

Ngày 16/11/2009, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL xếp hạng khu vực đèo Mã Pì Lèng Hà Giang là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục