Liên quan đến Dự án Điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại Vụng Cặp Táo (Vịnh Hạ Long), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 2531/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, địa điểm thực hiện dự án thuộc vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư nghiên cứu, lựa chọn địa điểm khác phù hợp thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long để triển khai dự án nói trên. Việc này nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường của Vịnh Hạ Long.
[Tập trung xử lý nước thải và quản lý du lịch tại Vịnh Hạ Long]
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được Công văn số 2895/UBND-XD (ngày 4/5/2018) của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị thẩm định, thỏa thuận hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công Dự án Điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại Vụng Cặp Táo (Vịnh Hạ Long).
Tại Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Thái Lan (ngày 17/12/1994), Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan. Sau đó, đến Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Australia (ngày 2/12/2000), Vịnh Hạ Long lần thứ hai được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về giá trị địa chất.
Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của Trái Đất.
Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo, khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới (đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển …), tạo nên giá trị đa dạng sinh học nổi bật của Vịnh Hạ Long./.