Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng thực trạng pháp luật về tiền ảo

Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo (bitcoin) ở Việt Nam và quốc tế vào tháng 8/2018.
Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng thực trạng pháp luật về tiền ảo ảnh 1Đồng bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chiều 23/1, thông tin tại buổi họp báo về công tác tư pháp quý 4/2017, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo (bitcoin) ở Việt Nam và quốc tế vào tháng 8/2018.

Cơ quan này cũng sẽ tiến hành đánh giá tác động của tiền ảo đến các hoạt động rửa tiền, buôn lậu ma túy, an ninh tiền tệ và các chính sách giao dịch khác; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý tiền ảo, tiền điện tử theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Dự kiến, đến tháng 12/2018, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ để xem xét.

Theo tiến trình, dự kiến năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ xem xét, đề nghị xây dựng luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan vấn đề này, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống.

Ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, Bộ Tư pháp nhất trí với Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp cận vấn đề tiền ảo. Cụ thể, giao dịch tiền ảo là ẩn danh, là công cụ của nhiều tội phạm trốn thuế, giao dịch thanh toán. Ngoài ra, tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu rất cao.

Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền ảo biến động liên tục, rủi ro trong đầu tư rất lớn. Đặc biệt, tiền ảo là loại tài sản chưa được cơ quan Nhà nước nào quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. Vì vậy, người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo cần thận trọng, cân nhắc.

[Các nước siết chặt thị trường tiền ảo, Bitcoin rớt giá thảm hại]

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, án tham nhũng; giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017.

Trong quý 4/2017 và đầu tháng 1/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản như Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới.

Thông tin về tình hình cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật trong năm 2017, ông Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, trong năm 2017, số việc và công chức bị xử lý kỷ luật vì vi phạm chuyên môn, nghiệp vụ trình tự, thủ tục thi hành án giảm bảy trường hợp so với năm 2016.

Theo ông Mai Lương Khôi, thời gian tới, ngành tư pháp sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phát hiện kịp thời vi phạm, nếu có phải xử lý nghiêm đồng thời kiện toàn tổ chức cán bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật của thi hành án dân sự, đảm bảo hành lang pháp lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục