Bộ Tư pháp Mỹ thừa nhận cảnh sát có thái độ kỳ thị sắc tộc

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã công bố báo cáo cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong các lực lượng cảnh sát ở Baltimore, bang Maryland.
Bộ Tư pháp Mỹ thừa nhận cảnh sát có thái độ kỳ thị sắc tộc ảnh 1 Cảnh sát chống bạo động ở Baltimore, bang Maryland. (Nguồn: AP)

Ngày 10/8, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã công bố báo cáo cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong các lực lượng cảnh sát ở Baltimore, bang Maryland.

Theo bản báo cáo dài 163 trang tổng kết lại quá trình điều tra suốt 1 năm qua tại Sở Cảnh sát Baltimore (BPD) sau cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray trong lúc đang bị cảnh sát giam giữ, DOJ đã mô tả một bức tranh ảm đảm đối với những cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người luôn cáo buộc lực lượng thực thi pháp luật địa phương quá lạm quyền và phân biệt đối xử với họ. DOJ cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy BPD vi phạm Hiến pháp và luật pháp liên bang trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Những bằng chứng thống kê cho thấy BPD thường xâm phạm vô lý cuộc sống của cộng đồng người da màu. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, mặc dù cộng đồng người da màu chiếm khoảng 63% dân số Baltimore, song những người Mỹ gốc Phi lại chiếm tới 84% số đối tượng bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Các cảnh sát cũng đã yêu cầu 34 người Mỹ gốc Phi dừng lại ít nhất 20 lần và 7 người khác ít nhất 30 lần, trong khi những nhóm người thuộc chủng tộc khác chỉ bị chặn lại hơn 12 lần.

Ngoài ra, trong phần lớn những tình huống yêu cầu dừng lại, các cảnh sát thường sử dụng vũ lực không hợp lý đối với những người Mỹ gốc Phi khi những người này chiếm tới 88% các đối tượng bị các nhân viên của BPD sử dụng vũ lực trong khoảng 800 trường hợp ngẫu nhiên mà DOJ điều tra.

Trong những năm gần đây, DOJ đã mở các cuộc điều tra về quyền dân sự tương tự nhằm vào các sở cảnh sát ở các thành phố như Chicago, Cleveland, Ferguson.... Trong một báo cáo khác công bố hồi tháng 3 năm ngoài, DOJ cho biết đã nhận thấy tình trạng phân biệt đối xử tồn tại trong lực lượng thực thi pháp luật đối với cộng đồng người da màu ở thành phố Ferguson, bang Missouri.

Thời gian qua, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ biểu tình bạo động bắt nguồn từ việc các nhân viên thực thi pháp luật, chủ yếu là da trắng, bắn chết các công dân da màu không vũ trang. Theo luật pháp Mỹ, việc cảnh sát bắt chết một nghi can gây nguy hiểm cho cộng đồng hoặc nhân viên thực thi pháp luật là hành động chính đáng.

Tuy nhiên, vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown hồi tháng 8/2014 tại thị trấn Ferguson và vụ thanh niên Freddie Gray tử vong sau 1 tuần bị cảnh sát giam giữ ở Baltimore đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Biểu tình thậm chí ngày càng leo thang sau khi cảnh sát bị cáo buộc sử dụng các biện pháp quá cứng rắn nhằm lập lại trật tự. Nhiều nhà hoạt động cáo buộc lực lượng cảnh sát Mỹ đã hành xử một cách phân biệt chủng tộc.

Các cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy sau khi bạo động nổ ra ở Baltimore, có 69% số người được hỏi nói rằng nước Mỹ đang đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc nghiêm trọng, gần 3/4 số người được hỏi cho rằng tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra thường xuyên hơn thực tế nước này thừa nhận. Sau vụ Baltimore, Tổng thống Mỹ Barack Obam cũng đã đề cập nhiều hơn tới vấn đề sắc tộc tại Mỹ, trong đó có bài diễn văn ở Bronx về việc tạo thêm nhiều cơ hội cho những thanh niên thuộc các cộng đồng thiểu số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục