Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã yêu cầu đài truyền hình RT của Nga đăng ký hoạt động tại Mỹ với tư cách là một "văn phòng đại diện nước ngoài" trong một động thái gia tăng sức ép đối với tập đoàn truyền thông này.
Phát biểu với báo giới ngày 12/9, đại diện của RT cho biết tập đoàn này đang tham vấn với các luật sư và xem xét yêu cầu của DOJ đưa ra trong bức thư nêu rõ công ty cung cấp dịch vụ cho kênh truyền hình RT America buộc phải đăng ký hoạt động theo Luật Đăng ký đại diện nước ngoài.
Luật đăng ký đại diện nước ngoài của Mỹ ra đời từ năm 1938 để chống lại ảnh hưởng quá mức của nước ngoài đối với chính sách của Mỹ. Luật này quy định phải công bố công khai các mối quan hệ nhất định giữa các cá nhân và các cơ quan ở Mỹ và các nước liên quan bằng cách gửi báo cáo lên Bộ Tư pháp.
[Ngoại trưởng Tillerson: Căng thẳng Nga-Mỹ không nên leo thang]
Trên trang mạng chính thức, Tổng giám đốc RT Margarita Simonyan đã chỉ trích quyết định của DOJ, cho rằng đây là một phần trong "cuộc chiến" của Mỹ với truyền thông Nga.
RT đã trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Tập đoàn có trụ sở tại Moskva này được cho là có mối liên hệ với cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn, người bị cáo buộc thông đồng với giới chức Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, điều mà Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.
Không chỉ RT, hãng tin Sputnik thuộc tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya của Chính phủ Nga, vốn trước đây là RIA Novosti, cũng đang bị cản trở hoạt động tại Mỹ. Nhà báo Mỹ Andrew Feinberg làm việc tại Sputnik cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện đang mở cuộc điều tra làm rõ cách thức hoạt động của Sputnik. Bản thân nhà báo này cũng đã bị FBI thẩm vấn ngày 1/9 vừa qua. Sputnik đang điều hành một đài phát thanh tại thủ đô Washington./.