Ngày 18/1, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị Tòa án Tối cao nước này nhanh chóng xem xét và ra phán quyết đảo ngược phán quyết của một thẩm phán tại San Francisco hồi tuần trước.
Theo đó, Tòa án giữ nguyên hiệu lực "Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) cho đến khi các tranh chấp xung quanh quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump được làm rõ.
Trong đơn gửi lên Tòa án Tối cao Mỹ, ông Noel Francisco, quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp có trách nhiệm đại diện cho chính phủ tại Tòa án Tối cao Mỹ, cho rằng "thời gian là vấn đề cốt lõi" và yêu cầu tòa án này can thiệp vào tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt chương trình DACA.
Ông Francisco yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về vụ việc này trước tháng Sáu tới.
Trước đó, hồi đầu tháng Một này, thẩm phán liên bang William Alsup đã ra phán quyết ngăn chặn kế hoạch chấm dứt DACA của Tổng thống Trump; đồng thời yêu cầu chính quyền Washington nối lại việc tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn của những người nằm trong diện bảo hộ của DACA.
[Mỹ nối lại tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn theo chương trình nhập cư từ bé]
Việc Bộ Tư pháp Mỹ kiến nghị trực tiếp lên Tòa án tối cao Mỹ được nhìn nhận là bước đi bất thường bởi mọi đơn khiếu nại của chính quyền đều được nộp lên tòa án cấp thấp hơn là Tòa phúc thẩm lưu động số 9 tại thành phố San Francisco.
Tòa án này trước đó cũng đã ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đối với bảy quốc gia có đa phần là người Hồi giáo.
DACA hiện đang là tâm điểm tranh cãi của phe Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung cho một dự luật cuối cùng liên quan đến số phận của hàng triệu người trong chương trình DACA trước hạn chọn vào tháng Ba tới.
Kể từ khi ra đời vào năm 2012, DACA đã bảo vệ quyền lợi cho hơn 800.000 người nhập cư trẻ tuổi được ở lại Mỹ làm việc một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền với chính sách mạnh tay với người nhập cư trái phép và tăng cường an ninh biên giới nhằm mang lại thêm việc làm cho người dân bản địa.
Rất nhiều bang, tổ chức và cá nhân đã nộp đơn kiện nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo hộ của DACA sau quyết định của Tổng thống Trump./.