Bộ tứ Normandie hy vọng lập lệnh ngừng bắn đầy đủ ở Ukraine

Bộ tứ Normandie hy vọng thiết lập lệnh ngừng bắn đầy đủ ở Ukraine

Các bên đã thảo luận khả năng xung đột leo thang đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandie" sẽ góp phần thiết lập lệnh ngừng bắn đầy đủ ở Ukraine.
Bộ tứ Normandie hy vọng thiết lập lệnh ngừng bắn đầy đủ ở Ukraine ảnh 1Giao tranh giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai tại Đông Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin TASS, cuộc họp các ngoại trưởng trong nhóm "Bộ tứ Normandie" (gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức) đã kết thúc ở Paris (Pháp) vào tối 23/6.

Cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ này nhằm thảo luận tình hình tại Ukraine và việc thực thi các thỏa thuận Minsk.

Phát biểu sau cuộc họp trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết "Bộ tứ Normandie" nhận thức về mối nguy hiểm do hành động của các thế lực đang cố tìm cách phá hoại tiến trình giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine (Donbass).

Ông Lavrov cho hay cả 4 ngoại trưởng Nga, Ukraine, Pháp, Đức đều kiên quyết phản đối những nỗ lực như vậy và cho rằng thỏa thuận Minsk 2 vẫn là cơ sở cho tất cả các nỗ lực của họ. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng "Bộ tứ Normandie" có thể gây ảnh hưởng tới các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine để họ thực thi các thỏa thuận Minsk.

Ông Lavrov cũng cho biết vấn đề phong tỏa các tài khoản và tài sản của Nga ở nước ngoài đã được thảo luận và cho rằng điều này không giúp phát triển quan hệ với Pháp.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thông báo phần quan trọng của cuộc họp đã dành cho câu hỏi ai là bên vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo ông Steinmeier, không ai phủ nhận rằng lệnh ngừng bắn đã nhiều lần bị vi phạm và tiếp tục bị vi phạm.

Ông Steinmeier cho biết các bên đã thảo luận khả năng xung đột leo thang đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandie" sẽ góp phần thiết lập lệnh ngừng bắn đầy đủ ở Ukraine.

Trong cuộc họp trên, các bên đã thảo luận việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine thông qua cơ chế Nhóm tiếp xúc, kể cả việc tiến hành đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev với các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục