Bỏ tư duy "không quản được thì cấm" trong xây dựng pháp luật

Thủ tướng yêu cầu thay đổi tư duy làm luật theo hướng vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đồng thời bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản.

Ngày 7/1, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thay đổi tư duy làm luật theo hướng vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển; đồng thời bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản.

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi xem xét, cho ý kiến vào bảy nội dung gồm: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chính phủ cũng thảo luận về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cùng với thảo luận, cho ý kiến vào từng nội dung của các dự thảo Luật, Nghị quyết, kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các Thành viên Chính phủ; giao các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện bảy nội dung quan trọng nêu trên.

Cho biết tại kỳ họp bất thường sắp tới của Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua bốn dự án luật; ba nghị quyết quan trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Thủ tướng lưu ý trong quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Nhấn mạnh thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn," cũng là "đột phá của đột phá," là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển," Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; thay đổi tư duy làm luật theo hướng: pháp luật phải vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Yêu cầu làm luật quy định khung, mang tính nguyên tắc, còn các vấn đề cụ thể trong thực tiễn thì giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để phù hợp với tình hình, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; lắng nghe các ý kiến góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ “điểm nghẽn,” khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng; kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho; phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Lưu ý Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, luật pháp, xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao quyền cho các cấp nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi các cấp.

Cùng với đó, diễn đạt các nội dung của các dự án luật, nghị quyết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)