Bộ trưởng Y tế: Vì sao số người sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng?

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại Hà Nội, chiều tối 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn về công tác ứng phó với dịch bệnh này.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại Hà Nội số ca mắc tăng nhanh, chiều tối 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị, ban ngành liên quan, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện trung ương.

[Thêm một bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội]

Trong cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Bộ Y tế thắc mắc và đặt đi đặt lại câu hỏi: Sở Y tế Hà Nội đã làm quyết liệt các giải pháp như vậy mà vì sao vẫn không khống chế được dịch sốt xuất huyết vẫn gia tăng mạnh, số người nhập viện vẫn gia tăng?

Đến thời điểm này cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong, riêng Hà Nội tính đến chiều nay có số tử vong cao nhất là 7 trường hợp.

So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc bệnh tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.

Với số ca mắc gia tăng chóng mặt mỗi ngày, hiện số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thành phố Hà Nội là hơn 13.000 ca, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 16.500 ca.

Bộ Y tế cũng cho biết tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội bệnh có cả 4 tuýp là D1, D2, D3, D4 trong khi các năm trước chỉ ghi nhận 2 tuýp gây bệnh là D1 và D2, do đó số trường hợp mắc bệnh có thể còn tăng cao.

Tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh bày tỏ lo lắng, với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, trong những tuần tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi sinh viên các trường quay trở lại học.

Huy động thêm máy móc từ các tỉnh

Người đứng đầu ngành y tế thẳng thắn: "Hà Nội làm quyết liệt từ trên xuống dưới, phun thuốc diệt muỗi tại nhiều nơi, kinh phí đầu tư nhiều nhưng chưa mang lại hiệu quả. Tại sao nhiều giải pháp đã được triển khai áp dụng nhưng số người mắc bệnh vẫn không hề thuyên giảm?”

Bàn về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Việc quan trọng số một hiện nay là công tác truyền thông để tuyên truyền tránh muỗi đốt, mặc quần dài, bôi thuốc chống muỗi, dùng bình xịt muỗi và phải làm tốt công tác vệ sinh quanh nơi ở như diệt loăng quăng, bọ gậy. Trong trường hợp bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất tuân theo sự hướng dẫn của bác sỹ, chỉ nhập viện khi bác sỹ yêu cầu để tránh lây chéo các bệnh khác.”

Bà Tiến chỉ rõ, trước mắt Hà Nội phải tập trung phun hạ hỏa trong nhà, ở những nơi như trường học, bệnh viện, công trình xây dựng. Sau đó dùng máy phun hoá chất công suất lớn phun ngoài đường. Hà Nội phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh không có dịch như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái.

"Hà Nội giờ mới có 2 máy phun hóa chất bằng ôtô thì như muối bỏ bể. Tôi đề nghị phải có ít nhất 20 máy trở lên thì công tác phòng chống dịch mới hiệu quả. Tôi sẽ đi kiểm tra xem có đủ xe, đủ máy không và phải phun có kỹ thuật”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ Y tế cũng dự báo thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véctơ phát triển. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và chủ động của người dân trong việc phòng chống.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo các Cục, Vụ và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội ngồi lại đại diện Bộ Y tế để cùng bàn việc huy động thêm xe, máy phun thuốc chống dịch./.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khám, điều trị hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục