Đánh giá về ý nghĩa và hiệu quả thực hiện các Chương trình phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, phát triển nhà ở xã hội không chỉ giải quyết an sinh mà đảm bảo cả vấn đề kinh tế.
Theo báo cáo của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn so với năm trước đó. Trong đó, cả nước đã hoàn thành thêm khoảng 0,19 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị năm 2017, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội đạt khoảng 3,49 triệu m2.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, vào thời điểm năm 2013, khi thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng, kích thích phát triển nhà ở xã hội đã tạo một lực đẩy cho toàn bộ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển.
Khi các ngân hàng cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng về phát triển nhà ở xã hội, họ sẽ hút thu được thêm khoảng 16.000 tỷ đồng nữa.
Nếu giải quyết tốt bài toán về vốn, phát triển nhà ở xã hội sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa thực hiện tốt an sinh xã hội, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thực tế, thời gian qua đã có một số dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, mô hình tốt rất thành công như dự án nhà ở xã hội Đặng Xá của Tổng Công ty Vigalcera, nhà ở xã hội Đông Ngạc của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô cùng nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD)...
Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 207 dự án nhà ở xã hội cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp; trong đó có 135 dự án cho người thu nhập thấp với khoảng 81.000 căn hộ, 72 dự án nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp, với khoảng 88.000 căn hộ.
Một số dự án nhà ở công nhân có quy mô lớn được triển khai tại Bình Dương của Tổng công ty Becamex với quy mô 64.000 căn, tại Đồng Nai của Tổng công ty IDICO với quy mô 10.000 căn...
Tại nhà D19 của Khu nhà ở xã hội Đặng Xá-Gia Lâm-Hà Nội, căn hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phúc đang sinh sống có diện tích 47m2.
[Phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra]
Không giấu niềm vui, bà Phúc khoe, ngoài căn hộ hai vợ chồng bà đang ở, 4 người con trong gia đình bà cũng được mua 4 căn nhà ở xã hội tại dự án này. Cuối tuần là dịp vui nhất khi đại gia đình được gặp gỡ, quây quần.
Bà Phúc kể, trước đây, hai vợ chồng bà đều làm công nhân Nhà máy dệt 8-3. Khi về hưu, 2 ông bà cùng với 4 người con vẫn bao nhiêu năm sống trong căn hộ tập thể 24m2 do nhà máy phân.
Khi 2 người con lớn lập gia đình, vẫn không có điều kiện mua nhà ra ở riêng. Cuộc sống càng trở nên ngột ngạt khi thế hệ thứ ba ra đời…
Cho đến một ngày, các con bà biết được thông tin về dự án nhà ở xã hội Đặng Xá và cùng nhau làm hồ sơ đề nghị xét duyệt được mua nhà đã thay đổi cuộc sống của đại gia đình này.
Họ bán căn nhà tập thể cũ được hơn 700 triệu đồng. Vợ chồng bà Phúc mua căn nhà này gần 400 triệu đồng; còn lại chia cho các con, mỗi đứa một ít.
Vì vẫn đang trong tuổi lao động, các con bà Phúc rất thuận lợi khi được ngân hàng cho vay ưu đãi để mua nhà. Gia đình đã được “đổi đời” khi Nhà nước có chính sách bán nhà xã hội giá rẻ cho người dân, bà Phúc xúc động chia sẻ.
Khu đô thị Đặng Xá hiện đã có gần 3.500 hộ gia đình về ở trong những căn nhà ở xã hội. Mỗi một gia đình về sống tại đây đều có chung một hoàn cảnh đó là khó khăn về nhà ở và bây giờ họ có chung một niềm vui được ở trong một khu đô thị hiện đại với đầy đủ tiện ích và môi trường cảnh quan trong lành, yên bình…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đến nay đã cơ bản hoàn thiện với nhiều quan điểm khoa học và tư tưởng đổi mới mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở.
Cùng đó, các bộ, ngành và địa phương đã có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ đề ra trong các Nghị quyết.
Qua một thời gian đưa chính sách vào cuộc sống, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện thông qua các chỉ tiêu cụ thể về diện tích bình quân, chất lượng nhà ở ngày càng tăng.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đều đạt được kết quả tích cực, đã từng bước cải thiện chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội và nhận được sự đồng thuận cao của các tổ chức, cơ quan Trung ương, chính quyền các địa phương và các tầng lớp dân cư trong cả nước.
Đáng chú ý, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Trên cơ sở đó, lần đầu tiên ngành xây dựng có được Chiến lược phát triển nhà ở với nhiều quan điểm và cách tiếp cận mới, tạo ra tầm nhìn dài hạn với nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội đó là: "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.”
Đây cũng là hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Vẫn xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những trọng tâm quan trọng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, Bộ Xây dựng hiện đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng.
Theo đó, thời gian tới, mục tiêu đặt ra là tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị; nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.
Đề án phát triển thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng chủ trì đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó đề cập nhiều tới việc phát triển nhà ở xã hội theo quan điểm đổi mới tư duy phát triển nhà ở xã hội.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà ở.
Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Do đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đều cần có sự hợp tác, quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng; trong đó, chính quyền địa phương là cấp quyết định thành công khi thực hiện chương trình này./.