Nhấn mạnh nhu cầu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội tại Vùng Đông Nam bộ hiện lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong vùng.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong ngày 18/7, ông Nghị cho rằng với nhu cầu lớn về nhà ở của vùng hiện nay, thời gian tới cần hình thành các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ, giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm thành phồ đầu tàu về kinh tế của cả nước.
[Trong 6 tháng, cả nước khởi công 9 dự án nhà ở xã hội, công nhân]
Trên cơ sở đó, các địa phương cần rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua; các dự án đã có đất “sạch” có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường.
Mặt khác, các địa phương trong vùng cần nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội; tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế của khẩu, các vùng công nghiệp lớn.
Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu của Đề án Phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, theo đề xuất của ông Nghị, các cấp chính quyền, địa phương trong vùng phải: căn cứ các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tại đề án để triển khai lập, phê duyệt kế hoạch cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý tới công tác quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng...
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm, dành đủ nguồn lực đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn./.