Bộ trưởng Tư pháp: Giàu bất hợp pháp có thể bị xử tội tham nhũng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết làm giàu bất hợp pháp nếu không chứng minh được nguồn của khối tài sản có thể bị xử tội tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 12/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; thực hiện Nghị quyết 67 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...

Trước băn khoăn của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) về kết quả thực hiện thi hành án dân sự trong thời gian tới liệu có đảm bảo mục tiêu đã được đưa ra tại Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định quyết tâm của toàn ngành sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt nhất theo tinh thần Nghị quyết 37.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm là tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương có án lớn, án phức tạp như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Hải Phòng... tổ chức tốt các đợt cao điểm về thi hành án dân sự; tăng cường điều động chấp hành viên từ địa phương này sang địa phương khác như đã làm có hiệu quả ở Tây Ninh năm 2013; phối hợp tích cực với địa phương để kiện toàn bộ máy làm công tác thi hành án đối với Cần Thơ, Kiên Giang, Hải Phòng...

Thêm vào đó, cần triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác thi hành án dân sự đã ký kết cuối năm 2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh, kể cả trong vấn đề cưỡng chế thi hành án dân sự; phối hợp chỉ đạo thi hành quyết liệt các vụ án điểm, án lớn, bức xúc kéo dài...

Với câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) về thu hồi tài sản trong các vụ “đại án” được rất ít, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết nguyên nhân chủ yếu là chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất, bài bản và minh bạch trong bất động sản và động sản. Việc mua bán, trả tiền thực hiện qua thẻ tín dụng thực hiện chưa nghiêm; có sự cắt khúc trong tố tụng hình sự hiện nay...

Bên cạnh đó, cũng có các lý do khác như chấp hành viên chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình hoặc có những vụ việc chỉ thực hiện khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh tất cả những vấn đề còn vướng mắc đang được nghiên cứu, đề xuất trong đó có việc kết nối, liên thông ngay từ đầu giữa hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan điều tra truy tố, xét xử.

Trả lời câu hỏi chính sách hình sự cần đổi mới như thế nào đối với tội tham nhũng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết định hướng để sửa đổi Bộ luật Hình sự sắp tới, Ban soạn thảo và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã ra Nghị quyết.

Liên quan đến tội tham nhũng, Bộ luật sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung một số tội danh về tham nhũng, nội luật hóa các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp nếu không chứng minh được bằng nguồn nào có khối tài sản đó hoặc tội tham nhũng trong khu vực tư nhân; đề xuất bổ sung truy tố pháp nhân cụ thể là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế...

Xung quanh nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp luật hiện nay vẫn còn tình trạng xin lùi, hoặc rút các dự án Luật, pháp lệnh, Bộ trưởng cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi 13 văn bản pháp luật và rút 2 văn bản pháp luật. Bộ trưởng đánh giá con số này đã ít hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ trước.

Lý giải vì sao vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút văn bản pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá về nguyên nhân khách quan, có những trường hợp lùi trình văn bản pháp luật để chờ tổng kết, báo cáo, kết luận của Hội nghị Trung ương như đối với Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; có những văn bản lùi do chờ tổng kết việc thực hiện thí điểm hoặc do để xem xét đồng bộ với các luật khác như đối với Luật Hộ tịch phải chờ Luật Căn cước. Có những trường hợp phải lùi để dành sự ưu tiến đối với văn bản pháp luật cần xây dựng trước để triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Bộ trưởng cũng đánh giá cùng với các nguyên nhân khách quan còn tồn tại các nguyên nhân chủ quan do có những dự án chuẩn bị chưa kỹ; chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh như dự án Luật Đô thị hay dự án Luật Quy hoạch...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành mình quản lý trong việc vẫn còn tình trạng điều chỉnh xin lùi, rút trong triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bộ trưởng cũng đã đề cập tới các giải pháp trong đó có việc tách bạch giai đoạn làm chính sách và xây dựng pháp luật.

Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời đầy đủ, khá rõ về trách nhiệm của mình và một số cơ quan liên quan trong công tác xây dựng, triển khai thi hành pháp luật, đặc biệt là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định qua chất vấn đã làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các công việc Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cần tập trung triển khai trong thời gian tới, tập trung vào việc thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần xử lý nghiêm túc những mặt còn yếu kém trong quá trình tổ chức triển khai.

Trong công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng đảm bảo tính khả thi của luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục