Bộ trưởng Tư pháp Brazil nghi ngờ bằng chứng tố cáo Tổng thống Temer

Tân Bộ trưởng Tư pháp Brazil tuyên bố không có bằng chứng về những cáo buộc chống lại Tổng thống Michel Temer trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Bộ trưởng Tư pháp Brazil nghi ngờ bằng chứng tố cáo Tổng thống Temer ảnh 1Tổng thống Brazil Michel Temer tại một sự kiện ở Brasilia ngày 31/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/6, tân Bộ trưởng Tư pháp Brazil Torquato Jardim tuyên bố không có bằng chứng về những cáo buộc chống lại Tổng thống Michel Temer trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ông Jardim, người vừa được Tổng thống Temer bổ nhiệm hôm 28/5 vừa qua, bày tỏ nghi ngờ tính hợp pháp của đoạn băng ghi âm mà cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS Joesley Batista giao nộp cho cơ quan điều tra, trong đó chứng minh việc ông Temer đã thông đồng với doanh nhân này trả tiền để “mua sự im lặng” của nhân chứng trong vụ Petrobras.

Việc công bố đoạn băng trên đã làm rung chuyển chính trường Brazil và có thể khiến ông Temer mất chức. Tòa án Tối cao đã ra lệnh điều tra người đứng đầu nhà nước.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Jardim tuyên bố tới thời điểm này chưa có bất cứ thông tin gì cụ thể liên quan tới đoạn băng và có quá nhiều “thông tin giả mạo” cũng như “tin đồn.”

Trước đó, ông này cũng tuyên bố khả năng thay những người tham gia điều tra của cơ quan cảnh sát.

Bộ Tư pháp Brazil là cơ quan giám sát quá trình điều tra các vụ tham nhũng của cảnh sát cùng với các thẩm phán liên bang.

Ngay sau khi ông Jardim được bổ nhiệm, Giám đốc Hiệp hội thanh tra cảnh sát liên bang Brazil Carlos Sobral nhận định việc thay Bộ trưởng Tư pháp có thể ảnh hưởng tới công tác của cơ quan điều tra.


[Brazil: Thêm nhiều chính đảng không ủng hộ Tổng thống Temer]

Trong một diễn biến có liên quan tới vụ Petrobras, cùng ngày, báo chí Brazil đưa tin một cựu quan chức Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht thừa nhận đã tài trợ bất hợp pháp chiến dịch tranh cử năm 2012 của thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Henrique Capriles.

Trong chiến dịch này, với 44% phiếu ủng hộ, ông Capriles đã thua trước cựu Tổng thống Hugo Chavez.

Theo nguồn tin này, khi đó, Odebrecht đã đặt cược vào chiến thắng của ông Capriles, 2 lần ứng cử viên Tổng thống.

Trước đó, cơ quan tư pháp Venezuela từng thông tin về việc ông Capriles, thống đốc bang Miranda, đã nhận 3 triệu USD tiền hối lộ của Odebrecht.

Trong khi đó, tại Colombia, Bộ trưởng Kinh tế Mauricio Cárdenas thừa nhận từng gặp Chủ tịch Odebrecht, Eleuberto Martorelli, để thảo luận về các khoản tài chính liên quan tới nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại nước này.

Trước đó, ngày 31/5, ông Martorelli cũng khai với cơ quan điều tra rằng đã chi trả phi pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống Colombia năm 2014 của 2 ứng cử viên Juan Manuel Santos và Oscar Ivan Zuluaga.

Theo doanh nhân này, Odebrecht đã trả 1 triệu USD cho công ty Paddington của Panama có quan hệ với công ty quảng cáo Sancho BBDO của Colombia. Số tiền này dùng để tiến hành một cuộc khảo sát giúp cải thiện hình ảnh của ông Santos, người sau này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014.

Theo dự kiến, ngày 2/6, Tòa án Tối cao Brazil sẽ công bố các bằng chứng về việc Odebrecht đưa hối lộ cho các nhà chức trách của 8 nước Mỹ Latinh, tuy nhiên cơ quan này yêu cầu các nước không công khai thông tin được tiếp cận.

Việc cung cấp các thông tin này là theo đề nghị của chính phủ các nước Argentina, Colombia, Ecuador, Mexico, Panama, Peru, Cộng hòa Dominicana và Venezuela.

Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết từ năm 2001, Odebrecht đã "đi đêm" 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, để giành được các dự án.

Bản thân Odebrecht thừa nhận đã đưa hối lộ tại 12 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh trong suốt 10 năm để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu, đồng thời chấp nhận trả khoản tiền phạt khổng lồ 3,5 tỷ USD vì những hành vi đưa hối lộ tại Mỹ, Thụy Sỹ và Brazil.

Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ này từ tháng 3/2014.

Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu nước này. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục