Bộ trưởng Tư pháp: "Ba chìa khóa" kiểm soát các biện pháp chống dịch

Làm việc tại Hội trường, Bộ trưởng Tư pháp giải trình tính pháp lý, đồng thời nêu rõ "3 chìa khóa" kiểm soát việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tính pháp lý, đồng thời nêu rõ "3 chìa khóa" kiểm soát việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm

Tiếp thu các ý kiến về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, khắc phục bất cập, hạn chế trong hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trước và sau khi kiện toàn. Hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung hiện thực hóa các kết quả để rà soát, báo cáo Quốc hội.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung, chọn ra một số vấn đề cấp thiết, bức xúc để đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với những vấn đề dài hơi, Chính phủ sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh để tập trung xử lý trong thời gian tới theo nguyên tắc "thực hiện triệt để các quy định về phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm."

[Không để dịch lan rộng tới mức phải thực hiện phong tỏa toàn quốc]

Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như thực hiện các biện pháp khác như tăng cường năng lực cán bộ, công chức trực tiếp trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật...

Giải pháp chưa từng có tiền lệ

Liên quan đến tính pháp lý dự thảo nội dung về phòng, chống dịch COVID-19, đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trong thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Hiến định và luật định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đã thực hiện một số giải pháp cấp bách, cần thiết để phòng, chống dịch và đã đạt kết quả tốt, được thế giới và nhân dân trong nước đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thành công này có được do 3 yếu tố: Dịch bệnh xuất hiện ở quy mô nhỏ, virus SARS-COV-2 giai đoạn đầu lây lan chậm hơn; chúng ta có hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước trong công cuộc phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, yếu tố thứ nhất đã có sự thay đổi với tình hình dịch bệnh phức tạp, mức độ lây lan nhanh, số người mắc COVID-19 và số ca tử vong tăng... Như vậy, cùng với hai yếu tố quan trọng, còn nguyên giá trị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần có thay đổi nhất định để đáp ứng với yếu tố thứ nhất. Chính vì thế, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua một nội dung để đưa vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội. "Đây là giải pháp chưa từng có tiền lệ," Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Qua rà soát, các biện pháp, quy định phòng, chống dịch bệnh nói chung, đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể như Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và một số quy định khác có liên quan trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống thảm họa, thiên tai... Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần hành vi pháp lý ở mức cao hơn, tiếp tục cho phép áp dụng các biện pháp này như trong trường hợp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Trong khi đó, một số biện pháp mới chưa có quy định cụ thể, chủ yếu liên quan đến ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin.

Còn những biện pháp khác luật, dự thảo Nghị quyết sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất; đồng thời cho phép Chính phủ đáp ứng kịp thời tình hình phòng, chống dịch bệnh, linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản thuộc thẩm quyền (Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...) cũng như các hình thức văn bản khác như Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có "3 chìa khóa" để kiểm soát việc thực hiện Nghị quyết và việc Quốc hội giao, ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện liên quan đến nội dung này. Thứ nhất, trong phạm vi hẹp, Nghị quyết chỉ áp dụng trực tiếp trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh, vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine phòng COVID-19, an sinh xã hội, một số vấn đề về tài chính-ngân sách và mua bán trang thiết bị, vật tư y tế. Thứ hai, Nghị quyết chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn nhất định, dự kiến chỉ đến ngày 31/12/2022. Thứ ba sẽ có cơ chế giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Với tinh thần nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục