Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 2/12/2015 và hai bên đã rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, sau đó có thay đổi liên quan đến quy trình phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU.
Tại phiên làm việc giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ngày 25/6/2018 tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ, hai bên đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý của hiệp định này và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về vai trò, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của EVFTA đối với cả Việt Nam với EU.
[Kết thúc rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU]
- Thưa Bộ trưởng chúng ta đã hoàn tất điều kiện pháp lý cho hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), vậy tiếp theo đây chúng ta sẽ triển khai những bước gì và dự kiến thời điểm nào thì hiệp định trên sẽ có hiệu lực?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói quá trình rà soát pháp lý là quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian trong các việc thực thi đàm phán và ký kết FTA và quá trình rà soát vừa mới kết thúc.
Trên thực tế quá trình rà soát pháp lý này đã được thực hiện ngay từ sau khi chúng ta kết thúc đàm phán giữa Việt Nam với liên minh châu Âu về hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua có những quy định trong thủ tục pháp lý của liên minh châu Âu có liên quan đến thẩm quyền phê duyệt của các thực thể trong EU đối với hiệp định thương mại tự do và những nội dung liên quan đến bảo hộ đầu tư nên trong quá trình rà soát pháp lý cũng đồng nghĩa luôn với quá trính phía liên minh châu Âu có những phán quyết của tòa án tối cao liên quan đến thẩm quyền.
Do vậy, quá trình rà soát pháp lý giữa Việt Nam với EU về hiệp định thương mại tự do này cũng lại đồng nghĩa với việc chúng ta phải thống nhất với cả hai bên để tách hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU thành hai phần.
Phần thứ nhất vẫn giữ nguyên với khoảng 95% những nội dung lớn của hiệp định thương mại tự do cũ và được gọi là hiệp định thương mại tự do còn phần sau liên quan đến những nội dung bảo hộ đầu tư và những cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Chính phủ và vì vậy cơ chế này lại liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ từng quốc gia thành viên của liên minh châu Âu phê duyệt, do vậy chúng ta phải thiết lập một hiệp định riêng gọi là hiệp định IPA về bảo hộ đầu tư.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, khi chúng ta kết thúc đàm phán (vào cuối năm 2015) thì chính là quá trình rà soát pháp lý và quá trình chúng ta phải đàm phán để tách thành hai phần, đồng thời tiếp tục giải quyết những tồn đọng nằm trong hiệp định IPA.
Trong cuộc gặp vừa qua giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom vào ngày 25/6/2018 tại Brúc-xen hai bên đã chính thức hoàn tất cả quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất hai hiệp định là hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Sau bước này, các bên sẽ tiến tới việc còn lại, tức là tiến hành dịch thuật các ngôn ngữ tiếng Anh của văn bản hiệp định này sang tiếng Việt và ngôn ngữ của 24 thứ tiếng của các quốc gia thành viên của liên minh châu Âu. Tiếp đến, hai bên sẽ làm các thủ tục nội bộ để trình các cấp có thẩm quyền để ký kết, cụ thể là về phía liên minh châu Âu sẽ trình lên Hội đồng châu Âu với lãnh đạo các quốc gia trong cộng đồng đó, còn phía Việt Nam sẽ trình Chính phủ.
Chúng ta đang phấn đấu những giai đoạn cuối cùng cho việc ký kết vào cuối năm 2018 và nếu như kịp được tiến độ thì cả hai hiệp định này sẽ tiếp tục được thực hiện ở khâu tiếp theo là trình ra để phê chuẩn ở Nghị viện châu Âu cũng như được trình ra phê chuẩn ở Quốc hội Việt Nam.
- Sau khi hai hiệp định ký kết thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta vẫn hay nói EVFTA là hiệp định tự do ở thế hệ mới với những nội dung và cam kết rất cao. Trong hiệp định EVFTA có tới gần 99% các nhóm ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan giảm ngay về 0% thuế quan của liên minh châu Âu.
Trong khi đó, với quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), Việt Nam mới chỉ được hưởng thuế quan 0% cho khoảng 42% nhóm ngành hàng, sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian tới đây, với mức độ tăng trưởng của Việt Nam thì chúng ta không còn được nhận những ưu đãi của GSP nữa.
Chính vì vậy, cơ chế ưu đãi thuế quan trong hiệp định với EU có tính chất rất cơ bản, mang lại lợi ích to lớn cho các ngành kinh tế, doanh nghiệp cũng như sản phẩm của Việt Nam.
Như con số tính toán của các nhà kinh tế của cả hai bên đưa ra thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng như GDP sẽ nhận được sự tác động và hỗ trợ rất lớn từ hiệp định thương mại tự do này.
Qua đánh giá sơ bộ bắt đầu đưa vào hiệu lực (ví dụ đầu năm 2019) thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt từ 4-6% so với việc không có EVFTA và tương tự như vậy, con số tạm tính từ các ngành kinh tế được hưởng lợi thì tăng trưởng của chúng ta có thể đạt thêm được 19 tỷ USD cho xuất khẩu trong năm 2019 và tới 2028 sẽ tăng thêm tới hơn 70-75 tỷ USD nữa.
Điều đó cho thấy, lợi ích của chúng ta rất lớn và phù hợp ở chỗ là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế của Việt Nam với EU có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp và vì vậy tôi cho rằng, thuận lợi cho chúng ta là rất lớn và những cơ hội ưu đãi từ hiệp định này là hết sức đáng kể nếu như chúng ta biết cách khai thác và tổ chức cho tốt trong khâu sản xuất, tiếp cận thị trường cũng như việc đảm bảo sự bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như việc hợp tác với EU.
Ngược lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận thấy rằng, cũng sẽ có mức độ cạnh tranh và tác động đến thị trường trong nước, bởi vì khi chúng ta đã cam kết mở cửa thị trường thì trong hiệp định này, chúng ta cũng phải tính đến mức độ và áp lực cạnh tranh của các sản phẩm từ EU và Việt Nam.
Nhưng phải thấy rằng, rõ ràng ở mức độ chúng ta đang hội nhập rất sâu với thế giới thì chúng ta phải chấp nhận những cạnh tranh đó. Dù vậy, những cạnh tranh này, rất nhiều góc độ chúng ta thấy có ý nghĩa tích cực, đem lại những sản phẩm có chất lượng cho thị trường nội địa và người tiêu dùng.
Có thể nói, việc này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh cho các ngành hàng sản phẩm của chúng ta mà chúng ta bắt buộc phải có quan điểm rất nghiêm túc trong việc nhìn nhận đánh giá để tái cơ cấu lại cũng như chấp nhận cạnh tranh để đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh cùa sản phẩm, có nghĩa là nâng cao hiệu quả của đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.
Phải thấy rằng, chính những cơ hội này sẽ giúp chúng ta xác định rõ được những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có định hướng để phát triển kinh tế với hiệu quả cao hơn và trên tinh thần là có những chuỗi giá trị chung cùng với các đối tác tham gia vào thị trường chung của thế giới và điều đó một lần nữa sẽ mang lại những hiệu quả đầu tư và phát triển cao hơn trong tất cả các ngành kinh tế cũng như ở khía cạnh xã hội.
Chúng ta thấy rằng, EU là một đối tác đang ở vị trí top đầu với quy mô đầu tư lên đến gần 22 tỷ USD trong thời gian vừa qua thì với hiệp định thương mại tự do lần này mang tính toàn diện và có thể nói là chứa đựng những cải cách rất lớn ở cả hai phía thì chắc chắn rằng môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện và nâng cao rõ rệt về tính cạnh tranh cũng như ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Vì vậy chắc chắn các dòng đầu tư lớn của EU vào Việt Nam trong một loạt các thành phần kinh tế, nhất là trong bối cảnh, bên cạnh EVFTA thì chúng ta còn có một loạt FTA khác chắc chắn sẽ tạo ra một sức hút rất lớn vào Việt Nam cho các hoạt động đầu tư và hình thành các chuỗi giá trị mới cũng như cho mối quan hệ hợp tác mới trong trật tự của thế giới ở cả góc độ thương mại và kinh tế.
Nói rộng hơn, một loạt lĩnh vực mà EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, các ngành công nghiệp (ôtô, năng lượng, chế biến chế tạo, công nghệ cao...) đều là những lĩnh vực EU có thể tham gia phát triển ở Việt Nam và đây cũng là những lĩnh vực chúng ta rất cần thu hút đầu tư để xây dựng một nền kinh tế phát triển toàn diện và có đủ năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập rất sâu với thế giới.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là EU đồng thời cũng là đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam hướng tới phát triển bền vững và vì vậy những khâu về thương mại, đầu tư còn đồng nghĩa trong việc tăng cường khả năng hợp tác đối với Việt Nam về chuyển giao công nghệ nguồn cũng như việc hợp tác nâng cao đào tạo chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực thể chế của Việt Nam.
Tôi cho rằng, EVFTA là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam để đóng góp vào một nền tảng hội nhập vô cùng quan trọng và cần thiết, đồng thời cũng đủ sức mạnh để Việt Nam có thể tham gia hội nhập một cách bình đẳng, sâu rộng và có hiệu quả với thế giới.
- Vậy doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị gì để có thể tận dụng tốt những cơ hội từ hiệp định này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đã biết tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam những năm vừa qua đã lên đến 19% và với con số kim ngạch thương mại hai chiều đạt 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cũng lần đầu tiên đạt con số kỷ lục cả về giá trị tuyệt đối lẫn xuất siêu.
Điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế với mức độ hơn 190% GDP là rất có ý nghĩa, nhưng đồng thời cũng hàm chứa rất nhiều yêu cầu kể cả những cơ hội và thách thức cho chúng ta.
Với nền kinh tế có độ mở lớn như vậy và việc chúng ta hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại tự do là những điều kiện rất tiên quyết để đảm bảo sự thành công cho hội nhập cũng như tiếp tục phát triển kinh tế.
Thế nhưng, các hiệp định thương mại tự do này với các cơ chế ưu đãi, kể cả những tác động tích cực từ cải cách mang lại thì có lẽ vẫn chưa đủ nếu chúng ta không thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực thi các cam kết hội nhập thì làm sao đảm bảo được hiệu quả.
Nhưng trước tiên chúng ta phải nói đến vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực thi các cam kết hội nhập để tạo nên các lực đẩy thông qua hoạt động cải cách kể cả cải cách trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước, cải cách trong mua sắm Chính phủ, cải cách trong lĩnh vực dịch vụ...
Tôi phải nhấn mạnh một điểm rất quan trọng đó là sự chủ động và sự chuẩn bị sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp để tham gia vào hội nhập. Hơn ai hết, cộng động doanh nghiệp mới là những người đảm bảo sự thành công và hiệu quả, kết quả của các chương trình hội nhập đó của Chính phủ.
Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, chúng ta đã có rất nhiều thành công trong các FTA nhưng cũng có nhiều tồn tại, trong đó tồn tại lớn nhất đó chính là sự tương tác giữa Chính phủ, các cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến những nội dung và khuôn khổ cam kết của Hiệp định thương mại tự do này.
Cụ thể là các chương trình hành động của Chính phủ sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do thì có thể được ban hành rất kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện với sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan chức năng của quản lý Nhà nước để tiếp cận cùng với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân vẫn còn nhiều điều phải xem lại.
Bên cạnh đó, còn có cả những vấn đề liên quan đến cách tổ chức để cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động được và tích cực hơn trong việc tiếp cận với các nguồn lực, nhằm đưa các hiệp định thương mại tự do này thực sự nằm trong nhận thức và tư tưởng chung của từng doanh nghiệp.
Nói thì dễ nhưng việc tổ chức là cả vấn đề bởi chúng ta biết rằng, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chính sự hạn chế về nguồn lực cũng như khả năng tiếp cận với thông tin của các doanh nghiệp này là điểm mấu chốt và điểm nghẽn dẫn đến việc tiếp cận với các FTA để khai thác các cơ hội từ hiệp định này chưa cao.
Chính vì vậy, đây là bài học mà Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành khác phải nghiên cứu kỹ để có sự chủ động hơn trong việc tiếp cận và có quan hệ tương tác hai chiều, cũng như có sự phối hợp kịp thời hơn để có thể cung cấp những chương trình hỗ trợ về pháp lý và thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Để làm được điều này, tôi cho rằng trong chương trình hành động sắp tới của Chính phủ sẽ phải xác dịnh rất rõ từng vai trò, từng thời điểm kể cả từng cách thức hợp tác giữa các chủ thể để đảm bảo hiệu quả.
Vấn đề tiếp theo là phải tổ chức lại hoạt động trong việc hội nhập của Việt Nam, các mặt về thể chế, các cơ quan chức năng Nhà nước trong việc quán triệt kịp thời để xác định rõ ý nghĩa, mục đích, hiệu quả của những hiệp định này và xác định rõ được nhiệm vụ cũng như sự chủ động của mình trong việc phối hợp trong việc hướng dẫn doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, thậm chí chủ nghĩa đơn phương của một số vùng, một số khu vực đang rõ nét thì câu chuyện để chúng ta chủ động trong hội nhập đó để điều hành chính sách, đảm bảo có thể vượt qua được các trở ngại và tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá.... đều là những bài học rất quý báu và cần thiết cho chúng ta trong thời gian tới.
Cuối cùng là việc tái cơ cấu lại nền kinh tế để có thể tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị cung ứng của khu vực và toàn cầu để có thể khai thác được các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do này là yếu tố then chốt. Theo tôi đây là thời điểm cực kỳ quan trọng mà chúng ta phải tính đến để có thể triển khai và tổ chức thực hiện.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.