Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra

Để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu đơn vị chức năng rà soát, đánh giá lại các thị trường và nhóm hàng có sụt giảm kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra ảnh 1Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều biến động của thị trường thế giới đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo các đơn vị chức năng phải phối hợp và triển khai những giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm.

Đây là nội dung của cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Cục xuất nhập khẩu ngày 7/8, tại Hà Nội.

[Doanh nghiệp FDI xuất siêu 18,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm]

Tăng trưởng trong gian khó

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, trong khi nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có xu hướng giảm.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, đúng như những gì Bộ Công Thương đã dự báo khi xây dựng kế hoạch, kịch bản xuất nhập khẩu năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm.

Đi kèm với đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hay rủi ro đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1/9 của Tổng thống Hoa Kỳ…

“Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng trưởng 6 - 8% so với cùng kỳ năm trước,” ông Chinh nói.

Dù vậy, với các con số đạt được cho thấy, xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt được những kết quả tốt trong bối cảnh khó khăn chung.

Cụ thể, quy mô xuất khẩu tăng cao, đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao. Thống kê cũng cho thấy, sau 7 tháng đã có 24 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả này, khi đặt trọng bối cảnh chung thì kết quả xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận nhiều điểm tích cực. Đơn cử, theo số liệu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 0,1% hay Brazil giảm 3,5%...

Điểm nhấn tiếp theo được đại diện Cục xuất nhập khẩu đề cập là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 12,2% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức tăng 5,6%.

Quan trọng hơn, mức tăng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước không đến từ nhóm nông thủy sản mà đến từ các mặt hàng công nghiệp như gỗ, dệt may, chất dẻo… Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

“Từ đầu năm đến nay, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng, Việt Nam vẫn giữ đà xuất siêu,” ông Phan Văn Chinh cho hay.

Thêm vào đó, hiệu quả từ công tác hội nhập cũng đang dần phát huy khi khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA của Việt Nam đều tăng trưởng tốt.

Đơn cử xuất sang Nhật Bản tăng 8,9%; Hàn Quốc tăng 4,7%, ASEAN tăng 5,6%... hơn nữa, tại các thị trường mới trong CPTPP cũng ghi nhận mức tăng tốt như Canada tăng 32,9% và Mexico tăng 23,43%...

- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường có FTA:

Cơ hội nào cho những tháng cuối năm?

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song theo ông Phan Văn Chính, hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm đã bộc lộ một số khó khăn như kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 0,3% sau 6 tháng, chưa kể xuất khẩu sang EU có phần sụt giảm.

Ngoài ra, hiệu quả xuất khẩu cũng còn phụ thuộc nhiều vào một số mặt hàng công nghiệp chế biến như điện thoại... Đặc biệt, có đến 6/9 mặt hàng nông sản chủ lực có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5% so với năm 2018 thì những tháng tiếp theo, bình quân xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2 - 23,4 tỷ USD và đây được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn.

Trong khi đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng được cho không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.

“Mặc dù vậy, với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra,” Lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu thông tin thêm.

Đánh giá về những khó khăn của thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) lưu ý thêm, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, có thể đẩy xung đột thương mại giữa quốc gia này và Hoa Kỳ thành chiến tranh tiền tệ, gây ảnh hưởng lớn hơn chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu manh nha, không chỉ còn là câu chuyện của ngành sản xuất bán dẫn mà còn dễ ảnh hưởng nhiều ngành hàng khác, trong khi các nước trên đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, do vậy điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Chính vì vậy, ông Sơn cũng đề nghị có sự phối hợp mạnh hơn giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thông tin thị trường, quy hoạch lại sản xuất, tránh tình trạng dư cung dẫn đến “giải cứu” nông sản như thời gian qua. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn như hiện nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra ảnh 2Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với các đơn vị về tình hình xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sau đó bày bán trên các trang thương mại điện tử.

Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu không kiểm soát tốt nguồn hàng nhập khẩu này thì sẽ cạnh tranh trực tiếp và không công bằng với hàng hóa trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nội.

Với những con số đạt được trong 7 tháng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung. Điều này cũng cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế đang mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nêu ra những thách thức ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu bền vững của cả nước.

"Nhìn vào đâu cũng thấy dư địa đang bị co hẹp lại. Nếu đặt trên bình diện chung, các chuỗi giá trị của ta còn rất hạn chế. Tuy ta đã cố gắng đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng xuất nhập khẩu đang phụ thuộc vào một số thị trường, một số mặt hàng trọng điểm… Cho nên nếu thị trường điều chỉnh chính sách chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó phải có sự chủ động, nhịp nhàng và nhạy cảm trong ứng phó với các biến động trên thị trường,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chính vì vậy, khẳng định phải bàn tiến, không bàn lùi, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra, Bộ trưởng yêu cầu, những tháng cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại để đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại, từ đó có giải pháp phối hợp với các đối tác để chủ động với các vụ việc phòng vệ thương mại, đồng thời kiểm soát chặt nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như ôtô, đường…

“Thống nhất các chương trình hành động, phối hợp làm việc với các Hiệp hội ngành hàng kịp thời để có giải pháp điều hành cụ thể, sự chỉ đạo kịp thời trong hoạt động xuất nhập khẩu,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục