Bộ trưởng TN-MT: Đào tạo nguồn nhân lực trẻ phải để va chạm với thực tiễn

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, môi trường đào tạo hiện còn thiên nhiều về lý thuyết, vì thế công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ chuyên môn sâu của ngành cần phải gắn với thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối thoại với thanh niên bộ nhân dịp Kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Ngành Tài nguyên và Môi trường được giao 9 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực rất “nóng” như đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn. Vì thế, việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ cho ngành cần phải gắn với thực tiễn cũng như tạo điều kiện cho sinh viên va chạm thực tế, nhất là trong Chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh để phát triển kinh tế bền vững.

Đó là yêu cầu của của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối thoại với thanh niên bộ nhân dịp Kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, diễn ra trong ngày 25/3, tại Hà Nội.

Đào tạo còn thiên về lý thuyết

Đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại, giảng viên Trần Chí Nam - Đoàn thanh niên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết hiện nay trường đang đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau và sinh viên rất mong muốn sau khi ra trường được làm đúng ngành mà mình được đào tạo. Xin bộ trưởng cho biết về cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đang được giao quản lý 9 lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực yêu cầu rất sâu về chuyên môn như viễn thám, khí tượng thủy văn. Theo ông Khánh, đây là những lĩnh vực khó, nếu không có chuyên môn cao sẽ không làm được.

“Với yêu cầu đó, trong nhiều năm qua, ngành rất quan tâm tới việc thu hút nhân lực cũng đào tạo nguồn nhân lực. Minh chứng rõ nét là Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện có 475 tiến sỹ ở cả 2 miền Bắc và Nam. Nhiều cán bộ bộ có tới 3 bằng đại học ở nước ngoài,” ông Khánh nói.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh sẽ tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Tuy vậy, ông Khánh cũng lưu ý môi trường đào tạo hiện còn thiếu thực tiễn và thiên nhiều về tính lý thuyết.

“Để đáp ứng hiệu quả công việc, nhất là với các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu của ngành thì công tác đào tạo phải gắn với thực tiễn. Do vậy, bên cạnh kiến thức lý thuyết, các trường cũng cần phải tạo điều kiện cho các sinh viên va chạm thực tiễn. Ví dụ như tham gia tìm hiểu thực tế về vấn đề quản lý đất đai, tham gia hỗ trợ xử lý tồn đọng đất đai,” ông Khánh lưu ý.

Giảng viên Trần Chí Nam - Đoàn thanh niên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Về việc làm thế nào để giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Khánh nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể làm một chính sách riêng. Tuy nhiên bộ sẽ luôn quan tâm tới lực lượng đang được đào tạo tại 2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với việc đầu tư chuyên sâu và nâng cao chất lượng các ngành học.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cơ quan này cũng sẽ rà soát, tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho lãnh đạo các đơn vị, từ cấp phó đến cấp quy hoạch, tạo điều kiện cho các đồng chí có cơ hội được học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Giải bài toán nguy cơ “thiếu” đoàn viên

Chủ đề công tác Đoàn cũng là vấn đề được nhiều đoàn viên quan tâm, trong đó có ý kiến nêu thực trạng nhiều cấp cơ sở thiếu hụt cán bộ Đoàn, hoặc già hóa đoàn viên, trong khi nhiều người trẻ không tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn.

Dẫn ví dụ, Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam Quan Thị Vân Anh cho biết đơn vị hiện có 76 đoàn viên, tuy nhiên phần lớn đã bước vào giai đoạn già hóa (lớn tuổi), khiến số lượng đoàn viên ngày càng giảm, nguy cơ “thiếu, trắng” đoàn viên là rất lớn.

Vấn đề đặt ra là Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để thu hút cũng như tạo động lực để các đoàn viên, thanh niên tham gia tích cực hơn vào công tác Đoàn.

Theo thống kê của Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay toàn bộ này có 14.000 đoàn viên; thời điểm cao nhất có tới 16.000 đoàn viên, thanh niên.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng việc già hóa đoàn viên là câu chuyện rất phổ biến, tuy nhiên theo ông, điều quan trọng ở mỗi đoàn viên là sự nhiệt huyết, làm sao giữ được “lửa,” lý tưởng, trách nhiệm mới là điều quan trọng.

“Ngay như tôi đến nay đã 50 tuổi, nhưng tôi vẫn luôn quan tâm đến Đoàn. Vì thế vấn đề quan trọng để thu hút các đoàn viên tham gia vào công tác Đoàn ở các đơn vị là cần phải có sự tham mưu, giao nhiệm vụ, biểu dương kịp thời,” ông Khánh nói.

Theo đó, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ cần có sự phân công, giao nhiệm vụ cho các đoàn viên thanh niên để tạo điều kiện cho đoàn viên có cơ hội thể hiện phát huy trí tuệ, sức trẻ, nhiệt huyết đóng góp cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội thiết thực.

Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương chia sẻ. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Chia sẻ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường có phạm vi chức năng quản lý rộng, liên quan mọi mặt đến đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Đây là cơ hội để tuổi trẻ của bộ thỏa sức phát triển trong “biển rộng." Tuy nhiên theo ông Thi, đây cũng là một ngành đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên ngành cao.

“Vì vậy, thế hệ trẻ ngành tài nguyên và môi trường cần tận dụng ‘thanh xuân’ là cơ hội tốt để trau dồi kiến thức, kỹ năng, nỗ lực học tập, phấn đấu, để xứng đáng là lực lượng xung kích của Bộ Tài nguyên và Môi trường,” ông Thi nói.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cũng lưu ý một thực tế là nhiều đơn vị (nhất là các khu vực dân cư ở nông thôn, đồng bào dân tộc), hiện nay có những chi đoàn đã “trắng” (không có) đoàn viên, thanh niên vì hầu hết đoàn viên đã trưởng thành Đoàn nên không tổ chức sinh hoạt được.

“Làm gì để thu hút được đoàn viên tham gia sinh hoạt cũng như các hoạt động ngoại khóa của Đoàn thì do các đoàn viên đưa ra ý tưởng. Việc này chúng ta cần phải họp bàn, họp ban chấp hành để đưa ra các ý tưởng, sáng kiến ý nghĩa thì việc tổ mới mang lại ý nghĩa và thu hút được các đoàn viên tham gia,” ông Cương nói.

Gợi mở sáng kiến từ kinh nghiệm của Trung ương Đoàn, Bí thư Ngô Văn Cương cho biết hiện nay Trung ương Đoàn đang phối hợp với nhiều bộ, ngành (như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ), nên nhiều ban, đơn vị cũng có thêm nguồn lực, kinh phí thông qua các đề tài khoa học.

“Đây là nguồn lực để các đoàn viên tham gia các hoạt động của Đoàn, cũng như mang các đề tài, dự án của các bộ, ngành đến với Đoàn cơ sở để thực hiện, triển khai có các mô hình cụ thể,” Bí thư Cương chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục