Bộ trưởng TN-MT chia sẻ việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh để thực hiện hiệu quả những cam kết tại COP26, Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ và chắc chắn sẽ thành công.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá như hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về lộ trình thực hiện các cam kết “xanh” của Việt Nam đã được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

- Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của mình về những cam kết và thoả thuận mà Việt Nam đã tham gia tại COP26?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như công bố tại Báo cáo lần thứ 6 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (tháng 8/2021). Nếu không khẩn cấp xử lý thì nhân loại sẽ đẩy biến đổi khí hậu đạt đến điểm không thể đảo ngược được. Hậu quả khi đó sẽ khôn lường.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN).

Vì thế, để góp phần làm nên chiến thắng trước những thay đổi bất thường của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) vừa qua, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp, sự kiện quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia sự kiện công bố cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu…

Việc Việt Nam chủ động tham gia những sự kiến trên đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm và cam kết chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Đặc biệt, những tuyên bố chính trị của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 đã cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu đồng thời cũng chính là giúp nước ta vượt qua thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu hiện nay.

[Mega Story: Việt Nam ưu tiên cao nhất cho "tương lai xanh"]

Việt Nam cũng đã tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như cam kết không xây dựng mới điện than; cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; cùng các quốc gia thảo luận dẫn đến đồng thuận thông qua Gói Thoả thuận Khí hậu Glasgow. Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hoà cùng với xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải.

Các cam kết của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo các nước, các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá rất cao.

- Vậy để thực hiện hiệu quả những cam kết trên, Việt Nam sẽ triển khai những công việc cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng; trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch…

Thực tế, các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu đưa vào Luật, vào Nghị định đã được chuẩn bị trên cơ sở Gói Thoả thuận khí hậu Katowice đã được thông qua năm 2018 tại COP24. Do đó, các điểm mới trong Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow lần này như cơ chế thị trường cácbon sẽ được tiếp tục nội luật hoá để xây dựng thị trường cácbon nội địa của Việt Nam hoàn thành vào năm 2025, thực hiện thí điểm và đi vào hoạt động chính thức từ 2028.

Các quy định trên cũng là cơ sở pháp lý tạo để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 - vấn đề toàn cầu phải có các tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động đến toàn dân thì toàn dân phải tham gia ứng phó.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện.

Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã đề xuất Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia; triển khai áp dụng các công cụ định giá cácbon, bao gồm thuế cácbon và phát triển thị trường cácbon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường…

- Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam khi thực hiện các cam kết mà chúng ta đã tham gia?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn mang tầm chiến lược, kịp thời nắm bắt xu thế thời đại về phát triển cácbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, qua đó gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về con đường phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Việc tích cực, chủ động tham gia các sáng kiến “xanh” tại COP26 đã giúp Việt Nam có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu; đáp ứng được sự thay đổi về “luật chơi” mới về thương mại, kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để thực hiện được những cam kết nêu trên trên, Việt Nam còn có rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải rà soát lại các Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng của các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050.

Mặt khác, để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, Việt Nam cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đặc biệt, chúng ta cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, EU, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu… là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp...

Tuy vậy, tôi cũng tin tưởng rằng với quyết tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia, sự ủng hộ của xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, việc chuyển đổi của Việt Nam gặp thiên thời, địa lợi, nhân hoà nên việc thực hiện các cam kết tại COP26 sẽ thành công./.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục