Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội, trong đó nhiều đại biểu cho rằng việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Trong nhiều năm qua, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn nhiều lãng phí như chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, đánh bắt thủy hải sản bằng xung điện...
Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về việc khai thác quá mức các tài nguyên khoáng sản và ô nhiễm môi trường ngày càng nặng. Vậy, thời gian tới Bộ có giải pháp mới nào để quản lý vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Theo tôi, trong quá trình phát triển, các nước đang phát triển khác cũng gặp phải những hệ quả trên, chúng ta buộc phải chấp nhận nó. Hiện nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường.
Với những vấn đề liên quan đến con người, các cơ quan quản lý càng phải quan tâm đến như những cơ sở sản xuất hóa chất, ximăng, thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm…
Chúng tôi quy định những doanh nghiệp nào muốn sản xuất phải có cơ sở xử lý rác thải thì mới được cấp phép và đây là một nguyên tắc. Bên cạnh đó, có một vấn đề rất mới là thu tiền cấp quyền khai thác, đó là số tiền rất lớn nên các doanh nghiệp không thể đơn vị nào cứ muốn xin là có thể làm được, phải nộp tiền chứ không thể xin giấy phép để đi bán như trước.
Tôi cũng muốn nói thêm, so với luật trước đây thì Luật Khoáng sản năm 2010 đã thay đổi rất nhiều, vấn đề khai thác tài nguyên tùy tiện trước đây giờ đã được ngăn chặn.
Giờ môi trường của chúng ta so với trước đây đã đỡ hơn nhiều và cả thiện hơn nhiều. Các nước khác cũng vậy, kinh tế phát triển thì môi trường cũng ổn định hơn. Hai cái này phải song song với nhau.
- Liên quan đến dự án sông Đồng Nai, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có đoàn kiểm tra và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đo đạc xác định dự án đó ảnh hưởng bao nhiêu đến dòng chảy, vậy thì những kết quả đó Bộ đã thực hiện chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định lại và báo cáo đánh giá tác động của dự án sông Đồng Nai. Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động đó chưa đảm bảo vì trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ cho thấy không tác động mấy nên dự án vẫn được tiến hành. Hiện nay, dự án phải đánh giá lại tác động môi trường và phải nghiên cứu đến cùng có tác động hay không tác động, do đó phải chờ ý kiến của Hội đồng.
Tùy theo tác động nhiều hay ít và chúng ta quyết định để lại hay không và để lại thì để lại bao nhiêu phần trăm. Ta phải nói có căn cứ khoa học và có nghiên cứu chứ không thể nói một cách tự nhiên và phải công bằng.
Tôi đã đi khảo sát khu vực này và thấy đây là khu vực rộng nhất của lòng sông Đồng Nai khoảng 800m, tôi nghĩ sẽ có tác động nhưng không nhiều.
- Bộ đã xử lý trách nhiệm với Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chưa khi mà Sở lập báo cáo tác động môi trường chưa tuân thủ quy định?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Việc đó thì chưa, chúng ta cứ chờ kết quả cuối cùng đã, lúc đó sẽ bàn, cứ theo đúng luật mà làm, ai sai thì người đó phải chịu.
- Liên quan đến việc Việt Nam gia nhập TPP, nhiều ý kiến lo lắng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng khi sẽ có nhiều dự án dệt may vào nước ta. Theo Bộ trưởng, nước ta có đủ công nghệ để kiểm soát được việc đó không?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và theo tôi, chúng ta sẽ làm được, vấn đề là chúng ta phải quan tâm đến nội dung đó. TPP đặt ra nhiều quy định về môi trường mà các nước tham gia phải tuân thủ, ngay kể cả về mặt sản phẩm nếu không đảm bảo về mặt môi trường thì các nước trong TPP cũng không cho nhập khẩu.
- Năm qua, vấn đề hạn hán gây xáo trộn cuộc sống của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp gì để cải thiện vấn đề này khi nền nông nghiệp các tỉnh miền Trung bị đe dọa?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì về biến đổi khí hậu, nhưng trực tiếp giải quyết hạn hán, liên quan xây dựng hồ đập thì phần nhiều thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Về hạn hán ở miền Trung, Chính phủ đã giao Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khảo sát các hồ có khả năng xây dựng được thì phải xây dựng. Tuy nhiên, việc xây hồ không đơn giản. Ví dụ ở Ninh Thuận muốn xây hồ phải có bụng hồ, phải có hồ chứa vì có tiền chưa chắc đã làm được.
Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến vấn đề quy trình vận hành kiểm soát việc đó, quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ. Liên quan đến thủy điện, làm thế nào thu được điện và đảm bảo đời sống người dân nhất là mùa khô hạn.
Hiện nay, có một vấn đề rất mới là đã có quy trình vận hành liên hồ chứa, nhưng quan trọng là phải kiểm soát thế nào và Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng quy chế để có hệ thống nhận lượng nước tháo ra phải được đo đếm, kiểm soát và địa phương phải kiểm soát chặt chẽ.
Thủy điện chỉ chú ý đến lợi ích của họ và ta cũng chia sẻ với nhà đầu tư, nhưng ngược lại cũng phải đặt ra lợi ích chung của nhân dân và không thể không quan tâm.
Ở miền Trung, chúng ta phải xây dựng thêm hồ chứa nhưng cũng phải cân nhắc để phù hợp với điều kiện nguồn lực. Thủy điện quan trọng nhất là vận hành các hồ chứa, đảm bảo vừa là nước cho điện vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt sản xuất.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!