Bộ trưởng Tài chính Nga đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đề nghị cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách năm 2015, trừ ở những lĩnh vực như quốc phòng, và không loại trừ việc cắt giảm sẽ không hạn chế ở mức trên.
Bộ trưởng Tài chính Nga đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách ảnh 1Đồng ruble. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đề nghị cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách năm 2015, trừ ở những lĩnh vực như quốc phòng.

Ông Siluanov cũng không loại trừ việc cắt giảm sẽ không hạn chế ở mức trên.

Phát biểu ngày 14/1, người đứng đầu Bộ Tài chính Nga cho rằng chi ngân sách phải phù hợp với điều kiện thực tế. Với mức giá dầu 50 USD/thùng như hiện tại, ngân sách Nga năm 2015 sẽ hụt thu khoảng 3.000 tỷ ruble (khoảng 45 tỷ USD).

Theo ông Siluanov, trong đà suy giảm tăng trưởng như hiện nay thì nền kinh tế Nga chỉ có thể "gánh" mức tăng chi 5%, chứ không phải 11,7% như trong ngân sách 2015 quy định.

Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục giảm sâu và đồng ruble tiếp tục mất giá, người đứng đầu Bộ Tài chính Nga cho biết trong năm 2015 Ngân hàng Trung ương Nga sẽ can thiệp vào thị trường ngoại tệ nhằm bình ổn tỷ giá, tăng tính thanh khoản. Mức trần can thiệp được Chính phủ cho phép là 500 tỷ ruble lấy từ Quỹ dự trữ trong cả năm 2015. Bộ trưởng Siluanov khẳng định việc can thiệp này sẽ không gây ra hiệu ứng lạm phát.

Đáp lại những đề xuất trên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định quy định ngân sách sẽ được giữ nguyên, nhưng sẽ điều chỉnh định hướng phân bổ, tập trung cho các khu vực quan trọng nhất. Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng sẽ không thi hành biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm kiềm giữ tỷ giá đồng nội tệ.

Thủ tướng Medvedev tin tưởng Nga có đủ dự trữ để giúp nền kinh tế thích ứng một cách "nhẹ nhàng" với điều kiện kinh tế mới, cụ thể là giá năng lượng xuống thấp. Người đứng đầu Chính phủ Nga cũng cam kết sẽ thi hành các biện pháp bổ sung nếu cần thiết để hỗ trợ người dân, bao gồm kích cầu tiêu dùng, trợ giá cho lương hưu và trợ cấp.

Thủ tướng Medvedev cũng chỉ ra rằng những khó khăn kinh tế mà Nga đang phải đối mặt bắt nguồn từ ba nhóm nguyên nhân là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tác động chính trị và kinh tế từ bên ngoài, và những vấn đề và hạn chế trong nước không được giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục