Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Brazil để cùng tìm cách củng cố nền kinh tế toàn cầu, khi đà phục hồi mới manh nha đang bị các cuộc xung đột và khủng hoảng đe dọa
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu khác sẽ tập trung tại Sao Paulo cho cuộc họp kéo dài hai ngày từ ngày 28/2 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay sẽ có một số vị quan chức vắng mặt tại sự kiện này, bao gồm cả Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad, người chủ trì cuộc họp, sẽ phát biểu thông qua video sau khi nhiễm COVID-19.
Những rủi ro kinh tế do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, biến đổi khí hậu và xung đột ở Trung Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 tổ chức cuộc họp đầu tiên trong năm.
Brazil, quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 từ Ấn Độ vào tháng 12/2023, cũng muốn sử dụng cuộc họp kéo dài hai ngày để gây áp lực đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo, giảm bớt gánh nặng nợ nần của các quốc gia thu nhập thấp và giúp các nước đang phát triển có thêm tiếng nói tại các tổ chức như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Vấn đề áp thuế quốc tế cũng được đưa vào chương trình nghị sự, trong bối cảnh đang có những tranh cãi trên toàn cầu về cách đối phó với cái gọi là "cuộc đua xuống đáy" - nơi một số quốc gia thu hút các tập đoàn và giới siêu giàu bằng mức thuế suất cực thấp.
Được thành lập vào năm 1999, G20 chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại thế giới và 2/3 dân số thế giới.
Trên thực tế, nhóm này có 21 thành viên: 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) - lần đầu tiên tham gia với tư cách thành viên trong năm nay.
Trong một diễn biến khác, các bộ trưởng tài chính của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ cùng EU sẽ tổ chức một cuộc họp riêng vào cùng ngày 28/2 về việc gia hạn hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.
Theo các nguồn tin, G7 có thể sắp công bố kế hoạch cùng thành lập một quỹ cho Ukraine dựa trên lợi nhuận được tạo ra từ khoảng 397 tỷ USD tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng vì cuộc xung đột giữa hai nước.
Ukraine trước đó đã cảnh báo rằng nước này đang rất cần thêm hỗ trợ quân sự và tài chính, khi gói hỗ trợ mới trị giá 60 tỷ USD của Mỹ đang bị đình trệ tại Quốc hội./.
G20 nhấn mạnh sự cần thiết cải cách thể chế quản trị toàn cầu
Brazil, Chủ tịch G20 năm nay, nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên gồm cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng và cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.