Bộ trưởng Tài chính ASEAN hội thảo xúc tiến đầu tư

Hội thảo xúc tiến đầu tư của Bộ trưởng Tài chính ASEAN 8 trao đổi cơ hội đầu tư, thị trường tài chính và lợi thế kinh tế của ASEAN.
Ngày 8/11, tại Jakarta (Indonesia) đã diễn ra Hội thảo xúc tiến đầu tư của Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 8 (AFMIS-8), với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN (trừ Thái Lan), đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các Đại sứ quán, các Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Indonesia, và đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài ASEAN.

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vương Đình Huệ tham dự Hội thảo.

AFMIS-8  với chủ đề "Tăng trưởng và đứng vững: Câu chuyện ASEAN," đã tập trung trao đổi các vấn đề cơ hội đầu tư, thị trường tài chính và lợi thế kinh tế của ASEAN so với các khu vực đang phát triển khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã khẳng định vai trò ngày càng tăng của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có việc các nền kinh tế ASEAN duy trì được nhịp độ tăng trưởng nhanh, góp phần đưa châu Á trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Ông nhấn mạnh các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại, nhất là trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng nước chủ nhà Indonesia Agus Martowardojo đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc hội thảo lần này, diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu đang đối mặt với những khó khăn chồng chất về thâm hụt kép và nợ công, và trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19, sẽ diễn ra ngày 17/11 cũng tại Indonesia.

Ông nhấn mạnh AFMIS là một trong những hoạt động quốc tế để thúc đẩy ASEAN thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời cho biết ASEAN nhận thức được vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế và phát triển kinh tế, và sẽ luôn luôn nỗ lực theo đuổi hội nhập tài chính và thương mại.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Tài chính năm nước, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã giới thiệu về tình hình kinh tế vĩ mô, những chính sách và thách thức đối với việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định của mỗi nước.

Các Bộ trưởng Tài chính đều nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 1997-1998 là một bài học có giá trị cho các nước thành viên ASEAN để áp dụng chính sách bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ, đồng thời thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư đổ vào.

Các Bộ trưởng cũng lưu ý sự cần thiết phải thường xuyên kiểm soát và quản lý tốt các dòng vốn lớn, bởi một sự đảo ngược đột ngột của dòng tiền nóng có thể ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế của nước thành viên ASEAN, gây nguy hiểm cho ổn định kinh tế và tài chính của khu vực.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nêu rõ những bước đi cần thiết để đưa ASEAN trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn, những biện pháp để gia tăng luân chuyển thương mại nội khối.

Theo Bộ trưởng, ASEAN có những lợi thế lớn để thu hút đầu tư nước ngoài, như đây là một khu vực kinh tế năng động, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, thị trường lớn, xuất khẩu cao, có nhiều chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn lao động rẻ và dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Để ASEAN trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị các nước ASEAN cần tiến hành các chính sách đồng bộ, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm quyền sở hữu, phát triển hệ thống pháp lý vững mạnh, tăng cường năng lực quản trị công ty và quản lý rủi ro các loại hình doanh nghiệp; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế tri thức; mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác chủ chốt trong và ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đã giới thiệu về những chủ trương, đường lối, biện pháp và thành tựu của Việt Nam trong việc đối phó với lạm phát, cổ phần hóa và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính-ngân hàng, những chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Việt Nam trong năm 2012; đồng thời đề nghị Hội thảo lần tới dành sự quan tâm nhiều hơn cho đầu tư nội khối.

Ngoài phiên họp chung, Bộ trưởng Tài chính mỗi nước ASEAN còn có cuộc gặp đối thoại riêng với các nhà đầu tư nước ngoài để giới thiệu về môi trường và các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế.Hội thảo đã kết thúc chiều cùng ngày với việc ra Thông cáo báo chí chung.

Thông cáo nêu rõ AFMIS là diễn đàn để thảo luận về hiện trạng và phương hướng của các nền kinh tế ASEAN trong tương lai; khẳng định các nền kinh tế ASEAN có thể đứng vững trước những cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất và tiếp tục duy trì sức mạnh và sự vững vàng trải qua những biến động và bất ổn đang phải đối mặt hiện nay; cho rằng ASEAN - với tổng GDP gần 1.859 tỷ USD, thu hút 75,8 tỷ USD FDI năm 2010, một thị trường gần 600 triệu người, tiềm năng con người thuận lợi, sức mua đang trên đà gia tăng, có các chính sách thận trọng, chương trình phát triển kinh tế của mỗi thành viên và của cả khối rõ ràng, sẽ có triển vọng phát triển kinh tế vững chắc và tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng các nước ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện nền kinh tế và tài chính nhằm nâng cao hiệu quả và ổn định kinh tế.

Các chính sách và biện pháp cải cách này đã định hình lại tình hình chính trị, kinh tế và là nền tảng cho sức mạnh tái sinh nền kinh tế khu vực ASEAN, và tăng cường thúc đẩy tiến trình hội nhập toàn diện của ASEAN với ba trụ cột quan trọng chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục