Bộ trưởng Tài chính Anh: Kinh tế Anh đủ mạnh để đứng vững

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết chính phủ nước này đã triển khai các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ từ Brexit.
Bộ trưởng Tài chính Anh: Kinh tế Anh đủ mạnh để đứng vững ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne. (Nguồn: AFP)

Ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhận định việc nước này bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ khiến các thị trường tài chính trở nên bất ổn hơn, song ông cũng khẳng định nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này vẫn có thể đứng vững trước những thách thức phía trước.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ sau khi 51,9% người dân Anh ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, ông Osborne cho biết chính phủ nước này đã triển khai các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ nhằm giải quyết hậu quả theo sau “cú sốc” Brexit.

Ông nhấn mạnh kinh tế Anh sẽ điều chỉnh và có hành động để giảm thiểu những tác động đối với hệ thống tài chính công. Bộ trưởng Osborne cho biết ông đã có cuộc làm việc với Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, cùng những người đồng cấp châu Âu, các thống đốc ngân hàng trung ương, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và lãnh đạo của các tổ chức tài chính lớn ở Anh để tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả của việc Anh rời EU.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Osborne cũng khẳng định Anh sẽ chỉ "kích hoạt" Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu các thủ tục rời EU khi đánh giá rõ tương lai của nước này trong quan hệ với EU và tất cả chỉ có thể được xem xét sau khi nước Anh bầu được Thủ tướng mới, thay thế ông David Cameron. 

Điều 50 Hiệp ước Lisbon quy định mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự hợp hiến. Một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định này và EU không được phép gây áp lực về quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức rời khỏi khối của quốc gia đó.

Cũng theo Điều 50, việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này.

Tiến trình đàm phán có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt được đồng thuận, sau đó Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu để thông qua với đa số cần thiết. Song song với tiến trình này, Anh và EU cũng sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán riêng về mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục