Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp và những đồng minh chủ chốt trong liên minh cánh tả ngày 3/7 tuyên bố sẽ ngăn chặn thỏa thuận giữa chính phủ nước này và Macedonia đạt được hồi tháng trước nhằm chấm dứt những mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ qua liên quan tới tên gọi của quốc gia láng giềng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, đồng thời là lãnh đạo đảng cánh hữu Hy Lạp Độc lập, khẳng định sẽ không thông qua hiệp ước công nhận tên chính thức của Macedonia là Cộng hòa Bắc Macedonia vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi, đồng thời tuyên bố sẽ ngăn chặn thỏa thuận.
Trước đó, hai nghị sỹ thuộc đảng Hy Lạp Độc lập cũng đã thể hiện sự phản đối bằng cách rút khỏi đảng này, khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras chỉ còn 152 ghế trong quốc hội, mức đa số mong manh nhất kể từ khi ông Tsipras lên nắm quyền hồi năm 2015.
Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM.
Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã phản đối tên gọi này vì trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp.
[Hy Lạp và Macedonia ký thỏa thuận lịch sử về đổi tên nước]
Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi mà Athens coi là di sản văn hóa tôn nghiêm.
Do đó, Hy Lạp liên tục ngăn cản tiến trình gia nhập EU và NATO của Macedonia cho tới khi tranh cãi này được giải quyết.
Đến gày 17/6 vừa qua, hai bên đã ký thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc này gia nhập EU và NATO.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước do đều cùng cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với mỗi bên.
Hồi tháng trước, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã từ chối ký thỏa thuận vì cho rằng đây là một hành động vi hiến./.