Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra "lối thoát" cho ngành lúa gạo

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn là lối thoát có triển vọng cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra "lối thoát" cho ngành lúa gạo ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn tập trung vào việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo và quản lý phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi...

Chấn chỉnh quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh (Quang Ninh), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu khác về vấn đề về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận qua kiểm tra trên thị trường hiện nay đang đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... có chất lượng kém.

Bộ trưởng khẳng định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm được xác định là trách nhiệm số một của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chính vì xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên đích thân Bộ trưởng, trong trường hợp đặc biệt mới ủy quyền cho Thứ trưởng để họp giao ban về nội dung quan trọng này.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định quyết tâm cố gắng của ngành để giải quyết căn bản những tồn tại, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý dự trên cơ sở các văn bản đã ban hành; đã, đang, sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Toàn ngành phải điều chỉnh 1.250 tiêu chuẩn; hiện đã làm được 624 tiêu chuẩn Việt Nam...

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục chấn chỉnh bộ máy về quản lý chất lượng vật tư và thanh kiểm tra trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết hiện nay vẫn đang rất thiếu cán bộ thanh tra ở một số sở. Vấn đề này đang được khắc phục để triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Hiện đã có 1.900 người có khả năng thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên Bộ trưởng cho biết con số này vẫn rất khiêm tốn so với khối lượng công việc đồ sộ cần thực hiện.

Phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), Tô Thị Hồng Hạnh (Đắk Nông), Hoàng Hữu Phước (Thành phố Hồ Chí Minh) về chính sách tạm trữ lúa gạo chưa mang lại lợi ích cho người nông dân và giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết chính sách tạm trữ lúa gạo đã được Bộ báo cáo trước Quốc hội tại nhiều phiên chất vấn, chính sách này chỉ là giải pháp tình thế, bởi lẽ không phải năm nào cũng thu mua tạm trữ lúa gạo. Chỉ khi nào giá lúa xuống thấp, nhân dân không được lãi khoảng 30% như cam kết giữa Chính phủ với nông dân thì mới sử dụng biện pháp để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu tạm thời.

Về giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả thực sự phát huy lợi thế của đất nước, trong đó tập trung vào rà soát quy hoạch, nâng cao năng suất và giá trị cây lúa.

Bộ trưởng phân tích Việt Nam có lợi thế về cây lúa nước nhưng không có nghĩa trồng lúa mọi lúc, mọi nơi, mọi vụ mà nên tập trung ở vùng có đất tốt và điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây lúa. Còn ở những vùng đất cát ở ven biển miền Trung, trung du miền núi, nên tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 47 hướng dẫn cụ thể cơ chế hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới trong trong bảo quản chế biến nông sản; thúc đẩy hệ thống kinh doanh lúa gạo bền vững có khả năng cạnh tranh trên cơ sở xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bộ trưởng nhận định đây được xem là lối thoát có triển vọng cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Băn khoăn của đại biểu Nguyễn Kim Bé (Kiên Giang) về thông tin phân bổ lợi ích trong chuỗi giá trị lúa gạo chuyển dịch theo hướng bất lợi cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã nắm được thông tin và đặt hàng Viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương điều tra vấn đề này.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ báo cáo đề xuất Chính phủ chính sách điều chỉnh để đảm bào hài hòa lợi ích giữa các đối tác chuỗi giá trị lúa gạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng mô hình liên kết nông dân với doanh nghiệp là phương cách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân với doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Hữu Phước và một số đại biểu băn khoăn về chất lượng kho tạm trữ lúa gạo hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Chính phủ ban hành Quyết định số 68 về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ làm kho tạm trữ lúa gạo, được hưởng chênh lệch lãi suất tín dụng đầu tư và lãi suất thương mại và được vay 70% giá trị.

Huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết qua tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã cho cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân,được nhân dân hưởng ứng và mong đợi.

Tuy nhiên, đây là chương trình khó, có thể thực hiện được khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và có cách làm đúng đắn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phù hợp, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4 và 5 cho thấy để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới 3 năm qua chưa đến 5.000 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách địa phương bỏ ra 31.000 tỷ đồng, nhân dân góp vào gần 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết sự đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương chủ yếu là ở các tỉnh đồng bằng, có ngân sách dồi dào. Các địa phương còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, thực hiện chương trình còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi.

Quan tâm khắc phục tình trạng thiệt hại do thiên tai

Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhận thức rõ tác hại của lũ, Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình xây dựng vùng tuyến dân cư vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó xây dựng các bờ bao tôn nền ngập lũ. Đến nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành, với 804 cụm tuyến dân cư và bờ bao, bố trí 140.000 hộ thuộc khu vực vùng lũ, đạt 92% so với kế hoạch... Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong khắc phục tình trạng thiệt hại do lũ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng cho biết giai đoạn 2 chương trình được triển khai ở 7 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành xây dựng 150/176 cụm tuyến dân cư bờ bao khu dân cư có sẵn, đạt 85% so với kế hoạch. Bộ Xây dựng đang tập trung cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ bà con để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của chương trình.

Đối với khu vực bão lũ miền Trung, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu cùng các bộ đề xuất giải pháp để ứng phó với bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Bộ Xây dựng đã cùng với các địa phương ở 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tập trung nghiên cứu khoanh vùng trên cơ sở địa hình xác định những khu vực ngập lũ để có những giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định làm thí điểm 700 ngôi nhà tránh lũ ở miền Trung. Mỗi ngôi nhà có hai sàn cứng, khung bê tông 10 đến 15m2.

Chính phủ đang chuẩn bị nguồn vốn tập trung đầu tư cho 40.000 hộ dân xây nhà tránh lũ, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng từ Nhà nước, Ngân hàng Chính sách cho vay 15 triệu đồng, còn lại người dân bỏ ra và cộng đồng dân hỗ trợ.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu rõ trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác sang Philippines nghiên cứu ảnh hưởng của cơn bão Haiyan để có giai pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng. Bộ chủ động cùng các tổ chức quốc tế nghiên cứu những quy hoạch ven biển phù hợp với điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong tương lai...

Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó cho thấy khoa học công nghệ có đóng góp nhất định cho sự phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 Chương trình quốc gia lớn về khoa học công nghệ, trong đó có 2 chương trình gần gũi với nông nghiệp, đó là Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng cho biết nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm tới mảng nông nghiệp và phát triển nông nghiệp. Trong 10 chương trình trọng điểm của Nhà nước về khoa học công nghệ có 2 chương trình phục vụ trục tiếp cho ngành nông nghiệp được ứng dụng đem lại hiệu qua. Điều này khẳng định khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho sự phát triển nông nghệp.

Về mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đạt nhóm đầu trong khu vực về khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng khoa học công nghệ Việt Nam có tiềm năng ở một số lĩnh vực nhưng để có vị trí cao trong khu vực đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa...

Tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đã tập chung chất vấn các nội dung về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; liên kết hợp tác sản xuất tại khu vực nông nghiệp, nông thôn; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng mía đường; tình trạng phá rừng trồng cây cao su, trách nhiệm và giải pháp; việc lập, triển khai quy hoạch vùng nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao...

Ngày 20/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục