Bộ trưởng Nội vụ: Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành quyết tâm sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm từ 15-20% đầu mối và hoàn thiện mô hình sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nhân dịp Xuân Quý Mão, trò chuyện cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ trong năm nay, Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành quyết tâm sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm từ 15-20% đầu mối và hoàn thiện mô hình sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, cho dù đây là những công việc “rất nhạy cảm, rất khó."

- Thưa Bộ trưởng, năm 2022 đi qua với thuận lợi thì ít, thách thức thì nhiều. Nhìn lại phương châm hành động với 10 chữ “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả," Bộ trưởng thấy có đạt được trọn vẹn?

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Đúng là năm 2022 đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cũng là năm đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Nội vụ. Chúng tôi đã không ngừng đổi mới, nỗ lực, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bộ Nội vụ luôn bám sát mục tiêu, đường lối của Đảng, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách.

Theo tôi, có thể điểm lại 5 điểm nhấn quan trọng nhất. Đầu tiên là về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu, năm qua, chúng tôi tập trung cao cho công tác này.

Bộ đã rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương. Nổi bật là đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 3 văn bản, đề án; trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua 2 luật và 4 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 6 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 8 nghị định và 2 nghị quyết.

Chúng tôi đã tập trung thẩm định 26/26 dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, đã có 21 nghị định được ban hành.

Đồng thời, Bộ chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; kịp thời đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).

Điểm thứ hai là sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW: tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Bộ máy bên trong các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ. Đây có thể nói là một dấu ấn có tính chất lịch sử.

Ở Trung ương đã gương mẫu sắp xếp bộ máy gắn với việc ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành đi đôi với phân cấp, phân quyền. Ở địa phương cũng làm quyết liệt như vậy và đã giảm 711 đầu mối thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, qua sắp xếp đầu mối các đơn vị sự nghiệp, năm qua đã giảm được hơn 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập ở bộ, ngành, địa phương.

[Tìm giải pháp bố trí công tác giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư]

Công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế luôn bám sát theo yêu cầu. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021).

Điểm nhấn thứ ba phải kể đến là vấn đề đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương, liên thông với các quy định Đảng. Vừa rồi Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó là đổi mới công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức, nhưng đồng thời cũng là nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đáp ứng yêu cầu của nền công vụ vận hành theo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điểm nhấn thứ tư là vấn đề xây dựng chính quyền địa phương, Bộ đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng để thực hiện liên thông đội ngũ công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời rà soát, đánh giá sơ kết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn qua và xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vấn đề chính quyền đô thị ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm nổi bật khác tôi muốn nói đến là công tác cải cách hành chính đã tháo gỡ nhiều quy trình, thủ tục hành chính, khơi thông những điểm nghẽn, thúc đẩy phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần khôi phục nhanh kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19. Qua đó, nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung của cả nước lên 87,16%. Chỉ số cải cách hành chính cho thấy bước tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả vận hành của các cơ quan nhà nước phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Đây cũng là năm để lại nhiều dấu ấn trong việc phối hợp, thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với việc cắt giảm chứng chỉ không cần thiết, chúng tôi gắn với việc đổi mới thi thăng hạng, nâng ngạch theo hướng phân cấp triệt để. Viên chức không thực hiện thi thăng hạng nữa mà thông qua xét để tiến tới bỏ xếp hạng viên chức, thực hiện đổi mới mô hình quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm thay vì theo chức nghiệp như hiện nay.

Quang cảnh lễ khai mạc một kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức hành chính lên chuyên viên cao cấp. (Nguồn: TTXVN)

2022 là một năm điển hình của sự vượt khó vượt bậc để vươn lên trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quyết liệt và đồng bộ gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, đáp ứng xu thế phát triển hiện nay.

“Nhiều đêm tôi và anh em trong Bộ không ngủ được”

- Tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt đánh giá cao Bộ Nội vụ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy khi cho rằng "đây là cố gắng rất lớn và quyết tâm của Bộ. Không có các đồng chí thì Chính phủ không hoàn thành được việc này." Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Đây là nhiệm vụ khá là động chạm, như Thủ tướng nói “động đến tổ chức bộ máy là đụng đến con người, lương bổng bao giờ cũng rất nhạy cảm và khó làm." Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, trong năm qua, chúng tôi đã phối hợp cùng với các bộ, ngành quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Ngay từ khi triển khai thực hiện nội dung này, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, hàng tháng đều họp để đánh giá, xem xét và cho ý kiến trực tiếp vào từng bộ để giải quyết.

Trong quá trình sắp xếp, chúng tôi quan tâm làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự thống nhất, đồng thuận, để các bộ cùng quyết tâm làm và đã làm thì phải đồng bộ và công bằng.

Quá trình sắp xếp vừa rồi, thật sự nhiều đêm tôi và anh em trong Bộ không ngủ được. Thực tế, có những tổng cục có tính lịch sử, tiền thân là một bộ, nay sắp xếp lại thành cấp cục là cả một vấn đề không đơn giản chút nào.

Khi mới bắt tay làm, cũng có ý kiến này, ý kiến kia kêu khó khăn, vướng mắc. Đúng là việc này rất khó, nhưng không thể không làm. Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ, cấp Trung ương không làm thì cũng khó sắp xếp ở địa phương. Cho nên chúng tôi quyết tâm, nỗ lực thuyết phục các bộ, ngành khó mấy cũng phải làm.

Nhờ vào sự quyết liệt của Thủ tướng và sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, đến nay, bước đầu việc sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, ngành đã có hiệu lực, hiệu quả, bộ máy tinh gọn hơn, không còn tầng nấc, trùng lắp nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Lời động viên, khen ngợi của Thủ tướng cũng là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi nhiệm vụ trước mắt hết sức nặng nề. Chúng ta vẫn còn tới hơn 700 đơn vị cần tiếp tục sắp xếp, với mục tiêu phải giảm từ 15-20% đầu mối.

Bên cạnh việc cắt giảm những tổ chức trùng lắp, giao thoa, có một vài tổ chức bên trong phải tính toán để cơ cấu lại, tăng cường hơn về nhiệm vụ, chức năng cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Với sự chỉ đạo quyết liệt và động viên, khích lệ của Thủ tướng, trong năm nay, chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành quyết tâm làm cho bằng được nhiệm vụ này.

Chung sức, chung lòng xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

- Nhìn lại những kết quả đạt được cho thấy những nỗ lực rất lớn của Bộ trong năm qua. Vậy còn điều gì Bộ trưởng thấy trăn trở, chưa hài lòng?

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Trước hết phải nói là chúng ta đã rất thành công trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế, chưa bao giờ chúng ta làm được như vậy. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Tới đây, chúng ta sẽ phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải cách hành chính để làm sao số người không nhiều nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Hoàn thiện vị trí việc làm có vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở khoa học cho việc xác định biên chế của mỗi cơ quan, tổ chức. Đây là việc vô cùng vất vả nhưng Bộ Nội vụ sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được trong năm 2023. Đồng thời, Bộ hoàn thành cơ bản việc nghiên cứu liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt xây dựng được chế độ công vụ chung, chuyển từ mô hình công vụ chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm - mô hình hiện đại nhất hiện nay.

Thứ hai, tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc nhất là ngành y tế, giáo dục, là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực khu vực công mà Bộ Nội vụ cần quan tâm tham mưu giải quyết trước mắt và lâu dài.

Thứ ba, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ làm việc ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận công chức, viên chức chưa thực sự nghiêm túc. Thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật đã tạo ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Từ thực trạng này, chúng tôi thấy phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương công vụ. Về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi tham mưu ban hành một nghị định về đạo đức công vụ, để siết chặt hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ, đảm bảo đồng bộ giữa các quy định của Đảng với quy định của Nhà nước.

- Bộ trưởng muốn nhắn nhủ gì với cán bộ, công chức, viên chức ngành nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng trong năm 2023 này?

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới, thay đổi lớn cho chế độ công vụ và cải cách nền hành chính.

Tôi muốn gửi thông điệp tới cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành rằng tất cả chúng ta phải cùng thay đổi, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng một nền công vụ, một nền hành chính nhà nước vừa chuyên nghiệp, vừa hiện đại, hướng tới phục vụ người dân tốt nhất.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục