Vấn đề giao biên chế viên chức sự nghiệp và thiếu giáo viên là nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ vào chiều 4/11.
Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn các điểm trường lẻ
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên, bố trí giáo viên không đúng vị trí việc làm.
Năm 2022, Đắk Lắk thiếu khoảng 1.700 giáo viên và nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự như vậy. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ và giải pháp để giải quyết thực trạng này, đảm bảo nguyên tắc được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc “ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên.”
Lý giải điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm, mà chỉ thẩm định biên chế viên chức hàng năm; đề xuất tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế viên chức, nhất là biên chế viên chức giáo dục, để đáp ứng được theo yêu cầu đó là có học sinh thì phải có giáo viên, nhưng cũng phải đảm bảo một cách hợp lý và theo định mức. Theo Bộ Nội vụ, định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây cũng phải có sự sửa đổi phù hợp.
“Ví dụ, năm học 2021-2022, chúng tôi xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu 65.980 người. Trên cơ sở định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra, chúng tôi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để giao biên chế giáo dục cho giai đoạn 2022-2026. Trước mắt, chúng tôi đề nghị, việc giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức, còn nếu căn cứ theo từng điểm trường sẽ rất khó khăn. Thực sự mà nói, không bao giờ có thể chạy theo được việc này, cho nên chúng tôi rất mong muốn các địa phương cố gắng sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường liên cấp, dồn bớt các điểm trường lẻ,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
[Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế còn cào bằng và có phần cơ học]
Bộ trưởng cũng dẫn chứng, có nhiều tỉnh làm rất tốt, giảm tới 700-800 điểm trường, có những tỉnh giảm được 400-500 điểm trường để đưa con em đồng bào dân tộc về trung tâm học ở trường nội trú, trường bán trú. Qua đó, chất lượng được nâng lên và giảm được đầu mối, giảm biên chế, có tỉnh giảm hơn 1.000 biên chế giáo viên.
“Tới đây, trong việc tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xem xét về việc phân bổ số biên chế còn lại, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân bổ tiếp số còn lại của biên chế đã được Bộ Chính trị giao cho giai đoạn 2022-2026,” Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Bố trí hơn 65 ngàn biên chế cho ngành giáo dục
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số giáo viên thiếu tính từ nay đến năm 2026 là 107 ngàn và chỉ tiêu được duyệt là hơn 65 ngàn cho việc tuyển trong giai đoạn này.
“Ngành giáo dục cũng rất cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ trong tình hình tinh giản biên chế mà vẫn bố trí được cho ngành hơn 65 ngàn chỉ tiêu. Đây cũng là một sự ưu ái rất lớn và vượt bậc,” Bộ trưởng bày tỏ.
Ông cũng giải thích, con số 107 ngàn là ngành giáo dục đang tính theo thực tế, vùng miền núi và các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn (số học sinh ít hơn), nhưng vẫn phải duy trì các điểm trường để cho học sinh đến học theo tinh thần “ở đâu có học trò thì ở đó có giáo viên.”
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cần rà soát, sắp xếp lại một lần nữa mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất ráo riết việc này.
Hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc sắp xếp cơ sở giáo dục và đã thu được kết quả rất khả quan, tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện, vì mỗi địa phương việc rà soát, sắp xếp vẫn còn khác nhau.
“Mong các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp không máy móc, cứng nhắc, không vì sắp xếp để sắp xếp, sắp xếp để giảm số điểm trường. Phải lấy đối tượng là học sinh, làm sao các em có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong quá trình triển khai các công việc của mình,” Bộ trưởng chia sẻ.
Về vấn đề chỉ tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn một lượng chỉ tiêu cũ chưa tuyển. Đề cập đến con số Đắc Lắk đang thiếu 1.700 giáo viên mà đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu, Bộ trưởng cho hay, con số ngành nắm được thì hiện nay địa phương này vẫn còn 2.358 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển và phân bổ của năm 2022 là thêm 243 chỉ tiêu nữa. Cho nên, khi tuyển hết số này, tỉnh cũng đã giải quyết được khá cơ bản việc thiếu giáo viên.
Từ phân tích trên, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, một trong những giải pháp cần khẩn trương thực hiện là vừa tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.
Để có nguồn tuyển tốt, Bộ trưởng cho hay, cần nâng cao cao năng lực của các trường đại học sư phạm, các chỉ tiêu và đặc biệt là các ngành đào tạo cho các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Ông cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo được “nghiên cứu, đề xuất có thể tạm tuyển số lượng giáo viên theo chuẩn cũ” để đáp ứng nguồn tuyển.
Một giải pháp khác được “Tư lệnh” ngành này nêu lên là “giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc - một hiện tượng đang diễn ra mà báo chí, dư luận, cử tri rất quan tâm trong những ngày vừa qua.”
Theo Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan đến nhà giáo, trong đó có vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi (đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học) phải thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần là “có thực đạo mới vực được.”
Điểm rất quan trọng, đó là cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Bộ trưởng bày tỏ, “phía nhà giáo cũng rất cố gắng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhưng về phía xã hội, phía phụ huynh, chúng tôi mong rằng cũng thực sự chia sẻ, đồng hành. Sự chia sẻ này cũng sẽ là tốt cho con em của chúng ta.”
Nhân dịp sắp tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, với cử tri, nhân dân và các vị phụ huynh trong suốt thời gian qua đã dành cho nhà giáo nói chung sự chia sẻ, quan tâm, lo lắng và vun đắp./.