Bộ trưởng nhận trách nhiệm vì xử lý phòng cháy chữa cháy chưa nghiêm

Sau hàng loạt sự cố hỏa hoạn, chiều 13/11, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm vì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến cháy nổ vẫn chưa nghiêm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 13/11, giải trình tại phiên giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018,” Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhận trách nhiệm vì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến cháy nổ vẫn chưa nghiêm. Một số vi phạm đã phát hiện nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới chủ đầu tư, chủ thể liên quan có biểu hiện “nhờn.”

Xử lý vi phạm không tương xứng với các vụ cháy

Trình bày báo cáo giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những nội dung không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý, trong giai đoạn giám sát, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

“Tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy? Điều gì sẽ xảy ra nếu hoả hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?” đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đặt một loạt câu hỏi.

[Lỗ hổng 'chết người' trong phòng cháy chữa cháy tại cao ốc]

Từ thực trạng nêu trên, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Đáng chú ý, báo cáo giám sát của Quốc hội cũng cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi. Theo bà Xuân, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này là rất lớn.

Bà Xuân cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý Nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Theo bà Xuân, trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại hơn 1.631 tỷ đồng. Vậy “đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy chữa cháy,” nữ đại biểu  Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trăn trở.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cùng chung quan điểm, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từ tháng 7/2018 đến nay đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% của 4 năm trước. Đây là vấn đề cần phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân, đặc biệt nổi lên ở 3 địa phương gồm Hà Nội đứng đầu bảng, tiếp đến là Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh...

“Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển 'nóng' quá hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan? Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ, xử lý không tương xứng với các đám cháy,” ông Nhưỡng cho biết.

Từ thực tế trên, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: "Việc chúng ta truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn. Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn.”

"Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên; thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được, còn con người thì dù là vô tình hay cố ý thì đều phải truy cứu trách nhiệm. Do vậy phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn," ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Thẳn thắn nhận trách nhiệm, cam kết khắc phục

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh “chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn đó thì dù có tổ chức gấp bao nhiêu lần các lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó lòng mong công tác này hiệu quả.”

Ông Nhân cũng nhận định không ai có khả năng cho mình cái quyền chối từ những rủi ro, bất hạnh nhưng người dân lại có một quyền cơ bản được hiến định đó là tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, việc sinh sống trong các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thì liệu đã đảm bảo quyền trên được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc chưa?

Qua thực tế trên, ông Nhân cho rằng cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao. Đặc biệt là cần “cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy chữa cháy, để không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa và những cái chết oan ức, thương tâm như trong thời gian qua.”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết riêng về phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng hiện nay có 3 luật quy định: Luật phòng cháy chữa cháy, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình.

Đặc biệt, trong Luật Nhà ở có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư về phòng cháy chữa cháy.

Tuy vậy, vị tư lệnh ngành xây dựng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt, còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình…

Điều khiến ông Hà lo ngại nhất là việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến cháy nổ vẫn chưa nghiêm. Ông Hà nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội rất bức xúc hỏi “tại sao có công trình chưa nghiệm thu, trong đó có phòng cháy chữa cháy, nhưng đã được đưa vào sử dụng rồi.” Ngoài ra, “một số các vi phạm đã phát hiện nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới chủ đầu tư, chủ thể liên quan có biểu hiện nhờn.”

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn: “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng cháy chữa cháy.” Mặt khác, ông cũng cam kết “trong thời gian tới sẽ làm hết sức mình để hạn chế những bất cập trong công tác này.”

Đồng tình với nhiều giải pháp đại biểu Quốc hội nêu ra như việc nghiên cứu có sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe hay không; cần xử lý các doanh nghiệp không thực hiện biện pháp phòng cháy chữa cháy, gây ra hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Theo ông Hà, hiện nay, ở Việt Nam đã đủ sức thiết kế công trình đến 100 tầng. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện chữa cháy mới vươn tới 20 tầng. Vì vậy, cần bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, cũng như quy mô, chiều cao công trình đã khác, hay công trình đa năng cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về phòng cháy chữa cháy.

“Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên phòng cháy chữa cháy, tài sản, tính mạng con người là trên hết. Với nhà cao tầng yêu cầu có tầng lánh nạn, dù không có cháy sẽ để không nhưng buộc phải làm để khi xảy ra hoả hoạn còn có chỗ lánh nạn. Vì khi có cháy phải có chỗ lánh nạn. Khi làm việc, có doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chúng tôi không hạ,” ông Hà nêu quan điểm và cho biết sắp tới ban hành 2 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và về phòng cháy chữa cháy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục