Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành nông nghiệp tăng trưởng ngoạn mục

Tăng trưởng ngành Nông nghiệp được phục hồi sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015.
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2016, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh chóng với những “bứt phá ngoạn mục.”

Ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 do Bộ này tổ chức sáng nay (26/12), tại Hà Nội.

Chồng chất khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Có thể nói năm 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả, khó khăn chồng chất với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt.”

Cụ thể, đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử trong 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Sau đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cùng với đó là hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm. Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế, mưa dồn dập, mưa lượng rất lớn, trên diện tích rộng.

“Chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên sáu tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Hàng loạt các mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, càphê, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Riêng Đồng bằng sông Cửu Long bị mất tới hơn 1,14 triệu tấn lúa do ảnh hưởng của hạn hán. Với mặt hàng tôm nước lợ, trong 6 tháng đầu năm sản lượng chưa đạt 200.000 tấn (bằng 28% sản lượng theo kế hoạch).

Những cú “lội ngược dòng”

Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra các giải pháp đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%, trồng trọt giảm 0,9%.

Nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt qua mặt hàng gạo, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.

Chăm sóc vườn rau xà lách trồng trong nhà kính công nghệ cao chuẩn bị cho vụ Tết. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ, 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt trên 650.000 tấn.

“Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000ha... Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD,” ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.

Đánh giá về tiềm năng phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm nay, nước ta đã xuất khẩu được gần 600.000 tấn lợn hơi với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD và thời gian tới, nếu làm tốt, bài bản hơn, chăn nuôi hoàn toàn có thể xuất khẩu được 2 triệu tấn.

“Như vậy, chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời ngành nông nghiệp đã ‘lội ngược dòng’ so với 6 tháng đầu năm và đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức ‘kỷ lục’ với 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như càphê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Năm 2017, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành đạt khoảng 2,5-2,8%, giá trị sản xuất tăng 3,0-3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,0 – 32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,4%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới từ 28-30%.

Năm 2017, Bộ tiếp tục xác định là “Năm cao điểm hành động về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.”/.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục