Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm để bàn giải pháp “giải cứu” người chăn nuôi trong bối cảnh giá thịt lợn hiện ở mức thấp kỷ lục, người chăn nuôi điêu đứng…
Đồng hành để nuôi dưỡng thị trường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng hành, hỗ trợ người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình trạng giá thịt lợn giảm mạnh trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu phục hồi là do cung vượt cầu và đây là nguyên nhân chính.
“Trong 20 năm qua, nhóm sản phẩm thịt lợn, sữa tăng tới 20 lần và đã đạt 800.000 tấn. Hiện không có nhóm hàng nào tăng nhanh như vậy. Riêng về thịt tăng trên 3 lần, từ 1,8 triệu tấn tăng lên 5,4 triệu tấn và là khối lượng sản xuất khổng lồ. Hàng loạt các sản phẩm khác như thịt gà, trứng gà… cũng tăng mạnh,” Bộ trưởng dẫn chứng.
Một nguyên nhân nữa là do tổ chức ngành hàng chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Hiện, có khoảng xấp xỉ 3 triệu hộ nhỏ lẻ tham gia chăn nuôi lợn.
Nguyên nhân dẫn đến giá thành cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi bởi các khâu đều tách rời dẫn đến khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại, rất thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ.
Bên cạnh đó, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi, hầu hết vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu kém, chưa phát triển.
“Thị trường tiêu thụ trong nước quy hoạch là vậy, nhưng lò giết mổ thực hiện ít nên mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại chưa làm được, thịt vẫn ít vào siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu vẫn là chợ truyền thống,” Bộ trưởng Cường nói.
“Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với người nuôi, đây cũng là biện pháp nuôi dưỡng bền vững thị trường của doanh nghiệp. 20 năm đồng hành cùng bà con thắng lợi thì nay rủi ro cũng phải chia sẻ. Bởi doanh nghiệp có điều kiện, có dây chuyền chế biến, có kho dự trữ tập trung mua sản phẩm tạm trữ một phần. Tất cả doanh nghiệp mà cùng đồng hành thì tôi tin tưởng sẽ chia sẻ được khó khăn này,” Bộ trưởng Cường nói./.
Người chăn nuôi cần tự loại bỏ con giống kém chất lượng
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng từng bước chia sẻ với nông dân. Hiện công ty cũng đang cố gắng mở rộng thị trường, tập trung chế biến sâu; thuê thêm kho để cấp đông, chế biến lâu dài…
Đáp ứng lời kêu gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty đã điều chỉnh giá bán lợn và đến nay đã giảm 2 lần. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh giá con giống và giá thức ăn chăn nuôi để chia sẻ khó khăn đối với người chăn nuôi.
Ông Vũ Anh Tuấn cũng khuyến cáo, hiện cứ một ngày nguồn cung tăng lên 1% sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi cần tự loại bỏ con giống quá nhỏ, không đạt chất lượng.
[“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?]
Đề xuất tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt
Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay, từ khi giá lợn xuống sâu, Tập đoàn đã có kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi. Hiện công ty đã giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và giảm giá bán tới người chăn nuôi, từ 5-7%.
Ông Học cũng kiến nghị, Bộ cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu thị trường. Mặc dù năm ngoái, doanh nghiệp cũng lường được thị trường như hiện nay nhưng không nghĩ giá xuống sâu như vậy.
Với tình hình hiện nay thì giá còn xuống tiếp, trong khi đó việc nhập khẩu thịt vẫn đang tiến hành. Do đó, Tập đoàn mong muốn Bộ phối hợp với các Bộ liên quan như Bộ Công Thương tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt để “giải cứu” thị trường trong nước. Ông Học đề xuất.
Cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Công ty Anh Dũng, Công ty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội bày tỏ, hiện tại công ty đang thu mua cao hơn giá thị trường, với mức giá 23.000 đồng/kg (giá cao nhất thị trường hiện nay) đối với loại lợn có trọng lượng trên 120kg/con.
Trong khi đó, tại Hà Nam, lợn có trọng lượng từ 1,4-1,5 tạ/con, chỉ có giá 1,5 triệu đồng/con nhưng không bán được. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường bán thịt lợn vào các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho biết: “Các thị trường cạnh nước ta đều nhập khẩu thịt như Singapore, Philippines, Brunei, Trung Quốc… nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn không vào được thị trường nào. Do đó, cần phải làm lại khâu thị trường, từ trong nước tới xuất khẩu.”
Ông Lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp giảm bớt chi phí không cần thiết, để có được giá thức ăn chăn nuôi thấp nhất.
Giảm giá đầu vào và có chính sách dài hơi
Theo ý kiến các doanh nghiệp, hiện nay, thông tin cho người chăn nuôi vẫn chưa đầy đủ, nhiều hộ vẫn hy vọng xuất khẩu nên cố gắng vay mượn để cầm cự. Vì vậy, cơ quan chức năng cần thông tin rõ ràng cho nông dân có hướng đầu tư sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục giảm giá thức ăn chăn nuôi. Đối với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm Bộ sẽ đề xuất chính sách với Chính phủ, đề nghị tăng lượng thịt mua vào để dự trữ, cấp đông, đặc biệt tăng thu mua lợn quá lứa với giá cao hơn nữa, để người tiêu dùng được lợi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây Bộ sẽ tổ chức Hội nghị để bàn giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng ngành chăn nuôi lợn mang tính hiệu quả, bền vững. Giải pháp căn cơ nhất lúc này là tái cơ cấu chăn nuôi lợn theo hướng rà soát, giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng đến mức phù hợp nhất, đặc biệt là đàn lợn nái hiện có 4,2 triệu con là quá lớn. Mục tiêu đến năm 2019 sẽ giảm xuống còn 3 triệu con, đồng thời nâng cao về chất lượng để hạ giá thành bởi giá thành khâu giống đang chiếm 15%.
“Bên cạnh đó, tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất này, đặc biệt là các nông hộ, vì nếu cứ để tồn tại hơn 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như thế này thì còn rủi ro, khó kiểm soát, tình trạng này sẽ còn xảy ra. Đặc biệt, ở những vùng có điều kiện phát triển con khác thì chuyển đổi, không nhất thiết phải chăn nuôi lợn,” Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Cùng đó là tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo cho các phân khúc thị trường. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương rà soát lại hệ thống giết mổ, để từng bước làm tốt khâu chế biến.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra các giải pháp trước mắt là giảm ngay yếu tố đầu vào như cám, giống, thuốc thú y trên cơ sở rà soát công tác quản lý, khâu nào còn yếu thì khắc phục.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung mở thị trường xuất khẩu chính ngạch cùng với cung ứng cho thị trường trong nước. Tới đây, lãnh đạo Bộ sẽ sang trực tiếp làm việc với Trung Quốc về việc đẩy mạnh xuất khẩu lợn chính ngạch sang thị trường này.
Được biết. trong tháng Năm tới Bộ sẽ có đoàn xúc tiến tiêu thụ thực phẩm tại thị trường ASEAN./.